Vấn đề “nóng”: kiểm soát nguồn gốc

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:51, 14/06/2011

(HNM) - Quản lý bằng được sự lưu hành, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên nhân dẫn tới những nguy cơ khó lường cho sức khỏe người tiêu dùng… là vấn đề nổi cộm được Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Hà Nội đưa ra...


Siêu thị cũng vi phạm

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP kết thúc khi nguy cơ về dịch bệnh nguy hiểm liên quan tới tiêu hóa, bệnh chân - tay - miệng đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, GĐ Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết: Năm nay, các loại bệnh này chỉ xảy ra lác đác, chưa bùng phát thành dịch hay gây tử vong. Dù vậy, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các ngành liên quan có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các căn bệnh này phát triển thành dịch.

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã kịp thời xử lý 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 người mắc, chủ động giám sát bảo đảm VSATTP phục vụ các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Ngành nông nghiệp đã xử lý 24 trường hợp vi phạm, trong đó phạt cảnh cáo 12 trường hợp, tiêu hủy hơn 3,2 tấn gà, hơn 43kg sản phẩm động vật, 450 quả trứng. Các trạm thú y quận, huyện, thị xã đã tổ chức tiêu hủy 7 lần gồm 80 con gia cầm, 58kg thịt lợn, 47kg phủ tạng... không bảo đảm chất lượng VSATTP. Chỉ riêng trong tháng hành động, Sở Công thương đã phạt hành chính các cơ sở, cá nhân vi phạm trên 761 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 965 triệu đồng. Trong đó có 988kg ngô hộp các loại; hơn 46 nghìn lon cà phê sữa bị sửa chữa hoặc hết hạn sử dụng; 4.560 chai bia hết hạn sử dụng; 1.670kg thạch hoa quả, bim bim, kẹo sôcôla; 1,3 tấn nội tạng động vật, thủy sản đông lạnh...

Dẫu vậy, thực trạng VSATTP của thành phố hiện còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Qua công tác quản lý thị trường, có thể thấy thực trạng VSATTP rất đáng báo động. Các sản phẩm đồ hộp được xóa hạn dùng cũ, "bắn" hạn dùng mới là phổ biến. Đồ đông lạnh kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm tới đó. Chỉ trong thời gian ngắn, một chốt kiểm tra có thể dễ dàng phát hiện 4 xe hàng chở 15,5 tấn gia cầm không có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín) tràn lan gia cầm nhập từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ. Nghiêm trọng hơn là cả các siêu thị lớn, danh tiếng cũng có nhiều vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Siết chặt quản lý


Lý giải những nguyên nhân, tình trạng tái diễn từ lâu này, đại diện các ban, ngành nhấn mạnh tới việc thiếu cơ chế xử phạt. Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành chưa có chế tài để xử lý mạnh, trong khi đó hầu hết các cơ quan quản lý cấp phường, xã lại buông lỏng quản lý VSATTP, nhiều nơi còn thiếu cán bộ làm công tác này. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố cho rằng: Hiện chưa có đủ hành lang pháp luật để xử lý các vi phạm. Cách đây ít lâu, cơ quan công an đã phát hiện nửa tấn mực nhập khẩu quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối đang trong tình trạng được "tút" lại đem bán ở chợ Long Biên. Vụ việc này gây bức xúc trong dư luận song cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không thể đưa ra truy tố. Sở Công thương cũng đưa ra một ví dụ: Việc chuyên chở hàng tấn gia cầm Trung Quốc, không hóa đơn, chứng từ, cũng chỉ bị phạt 20 triệu đồng, không bằng chi phí tiêu hủy gia cầm.

Một hạn chế được nhấn mạnh là sự buông lỏng của các cơ quan quản lý cấp phường, xã. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Triển khai và duy trì được kết quả công tác hay không chính là ở chính quyền địa phương, còn các ban, ngành chỉ có thể kiểm tra đột xuất theo định kỳ. Ông Nguyễn Huy Đăng đề nghị việc quản lý hàng hóa phải được thực hiện ở 2 nơi: nơi sản xuất và nơi tiêu thụ. Tại các chợ chỉ sản phẩm có nguồn gốc được bán, còn hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thì không được phép bán. Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, dự kiến vào tháng 8, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ sẽ dễ quản lý chặt hơn vì việc xây cổng và các chốt kiểm soát được đã hoàn thành. Tương tự, các lò giết mổ ở Thịnh Liệt cũng sẽ được siết chặt quản lý nhờ việc thành lập các chốt kiểm tra, chỉ cho phép gia súc, gia cầm có nguồn gốc được ra, vào.

Trước những vấn đề bức xúc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan, ban, ngành khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm VSATTP trong khi ý thức của người dân chưa cao, điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ kiểm soát còn rất thiếu. Phó Chủ tịch yêu cầu trong 7 tháng cuối năm, BCĐ VSATTP TP Hà Nội cần tăng cường kiểm tra đột xuất các địa phương, chú trọng giải quyết tồn đọng lớn nhất hiện nay là kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm một số vụ điển hình. Sở Thông tin Truyền thông cần đổi mới công tác tuyên truyền, có kế hoạch tuyên truyền ngay để đón Luật VSATTP có hiệu lực từ ngày 1-7. Phó Chủ tịch lưu ý Sở Công thương kết hợp với huyện Thường Tín kiểm soát đầu vào của chợ Hà Vĩ, không để hoạt động tự do. Đặc biệt, ngay trong tháng này, phải hoàn chỉnh hai đề án, gồm: Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện, thị xã, thị trấn thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015; bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo trình UBND TP trong tháng 7.

Khánh Vũ