Nghĩa trang độc nhất vô nhị

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 14/06/2011

(HNM) - Nghĩa trang cá voi ở Bình Thuận là một nghĩa trang độc nhất vô nhị trên cả nước. Cách bờ biển thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong 6,2 hải lý, đó là một hòn đảo nhỏ hình chú cá sấu nằm, dài 1.200m, rộng 800m. Người dân quanh vùng gọi là Cù lao Câu.

Trên đảo không có người ở, nhưng hơn 200 năm nay, người ta tụ họp về đây trong một ngày vui duy nhất của năm là rằm tháng tư, vừa là lễ cúng Cầu ngư chuẩn bị cho mùa cá Nam (có người nôm na gọi là Cúng Đảo) vừa là ngày Hội Rước Ông được ngư dân ba xã quanh đây háo hức chờ đợi để được quay về với một miền ký ức không thể thiếu của những người con đất vạn chài cho dù tha phương hay đang ở vùng biển này. Và là một cơ hội tạo ra những kỷ niệm trong lòng ngư phủ và con cái họ, một dấu nhấn đáng nhớ trong cuộc sống quanh năm đối mặt với sóng to gió lớn.

Nghĩa trang cá voi trên Cù lao Câu, nơi diễn ra lễ cúng Cầu ngư hàng năm của người dân Bình Thuận.

Tục thờ cá Ông

Năm giờ mười phút, chiều rằm tháng tư, chiếc tàu kiểm ngư to lớn màu trắng, thoạt nhìn như một du thuyền, đưa chúng tôi trực chỉ hướng đông. Trên tàu, ông Đỗ Thái Dương, hiện là Phó chủ tịch huyện Tuy Phong cho biết: Chính phủ đã phê duyệt hồ sơ xem khu vực quanh hòn đảo này là khu bảo tồn biển. Quanh đảo có rất nhiều chủng loại san hô và các giống cá sinh sống. Vấn đề chúng tôi quan tâm là nét tín ngưỡng thờ cá voi ở đây đã gắn bó máu thịt trong đời sống của ngư dân quanh vùng, những còn một vấn đề không thể tách rời: Sinh vật biển nơi đây phong phú nên cá voi xuất hiện nhiều, nghe nói trước đây thường có những đàn cá mòi khổng lồ, mà đây là thức ăn khoái khẩu của cá voi. Ăn ở nhiều thì chết cũng nhiều, vậy nên Ông "lụy" ở đây cũng không kể hết. Và những trường hợp ngư dân được cứu sống trong những cơn bão tố biển khơi cũng nhiều. Hàng trăm câu chuyện cá Ông cứu ghe, cứu người được truyền tụng, qua thời gian "thêm mắm thêm muối" thành những giai thoại cảm động. Xuất phát từ lòng biết ơn, xuất phát từ đời sống ngư phủ tính mạng mong manh nhỏ bé trước những cơn sóng cả mà hình thành nên tín ngưỡng riêng biệt. Thật ra việc thờ phụng Cá Ông được hình thành từ xa xưa dọc theo ven biển Việt Nam, nhưng dành cả một hòn đảo làm nghĩa trang để quy dắt, gìn giữ, thờ phụng những bộ hài cốt Cá Ông thì chỉ duy nhất nơi đây. Những người nhìn thấy đầu tiên và có công dắt được Ông vào nghĩa trang được gọi là "trưởng nam" và chịu tang, cúng tuần như đối với cha mẹ mình. Ông Trần La và ông Ngô Nghê là hai "trưởng nam" hiện đang có mặt trên đảo trong lễ cúng rằm tháng tư năm nay. Khi vừa lên bờ, tôi đã được gặp mặt và có cuộc trò chuyện với họ. Cả hai ông này đều xác nhận: Kể từ ngày họ làm tròn bổn phận với Ông, cuộc sống của gia đình đã sung túc rõ rệt, làm đâu đặng đó, mùa biển nào cũng trúng được lộc. Trong cả ba cuộc lễ: cúng Tiên, cúng Nghinh và cúng Chánh đều được hai ông sắm sửa đủ bộ lễ vật là cặp vịt, chè xôi, nhang đèn. Tôi hỏi: Trong khi "dắt" được Cá Ông về nghĩa trang, điều gì làm các ông ấn tượng nhất? Ông Ngô Nghê thành thật: Nước bọt của Ông nhiều lắm, tôi độ chừng cả ba bốn phuy, lúc ấy tôi nhớ tôi cứ ngạc nhiên quá chừng, nước bọt ở đâu mà ra nhiều như vậy. Theo lời kể của Vạn trưởng Trần La thì từ ngày chôn đến khi "sang cát" lấy hài cốt cho vào quách phải mất ba năm. Các quách này được đưa vào hầm mộ cất giữ cẩn thận. Hiện có hàng trăm bộ hài cốt được cất giữ nơi đây. Bộ hài cốt lớn nhất dài hơn 20m được xây miếu riêng để thờ. Có những người ở vùng khác đến trộm cắp bị ngư dân Phước Thể phát hiện rượt đuổi. Mục đích của việc lấy xương Cá Ông cũng là cầu sự may mắn, họ cắt xương Cá Ông thành những khúc nhỏ rồi đính nẹp vào lưới. Họ tin rằng xương Ông ở đâu thì Ông theo đó mà độ trì phù hộ cho họ.

Chính vì tôn thờ mà họ đã hết lời ca ngợi công đức của Cá Ông, giữa miếu thờ họ khắc hai câu đối lớn, sơn vàng, tô chuốt từng chữ: Hiển hách ngàn năm trên biển cả/Anh linh đại độ khắp trời Nam.

Những khác biệt của hò bả trạo

Chúng tôi bước lên bờ thì trời vừa sập tối, tôi đếm được hơn hai mươi chiếc ghe lớn, ghe nào cũng rộn rã tiếng hát hò cùng những dáng người nhảy múa. Nhưng đến khi có người cầm chiêng vừa đi vừa đánh giáp vòng quanh đảo thì trên ghe chỉ còn những bóng điện lớn rọi ánh sáng vào bãi chính trước mặt Miếu thờ Nam Hải. Rất đông người đã băng nước lội vào tham gia cúng lễ, xem hội. Sau phần cúng tế lễ vật sống (một con heo lớn và cặp gà giò) là phần hò bả trạo.

Hò bả trạo là hình thức hát múa, chủ yếu là động tác chèo thuyền (trạo: mái chèo). Hò bả trạo còn gọi là hát chèo thuyền được nâng lên thành một nghi thức cúng lễ, nhất là trong phần Lễ Chánh - Nghinh Ông nên còn có tên là hò đưa linh, hò hầu linh. Quan sát hò bả trạo ở đây, tôi nhận thấy có sự khác biệt đôi chút với những vùng khác. Ví như thành phần trong đoàn bả trạo thường là đủ bộ: ngoài bạn chèo (từ 12 đến 16 con trạo) còn có Tổng mũi (Tổng tiền), Tổng khoang (Tổng thương), Tổng lái (Tổng hậu) thì đoàn bả trạo ở đây chỉ có hai tổng là Tổng bài và Tổng lái. Hoặc trong các phần của bài hát ngoài phần ca ngợi công đức Cá Ông còn lại là phần luận đông tây kim cổ, ở ngay trong lễ năm nay, chúng tôi được nghe nghệ nhân Nguyễn Mười, người đóng vai Tổng bài đã 18 năm (là đệ tử của thầy Cao Đào) hát những câu hát nặng về ca ngợi sự phong phú giàu có của ngư trường địa phương:

… Phước Thể, vùng biển xã nhà
Đầy đủ thứ cá: Cá khoai, cá chù
Cá ngừ, đưng đốm, cá thu
Ốp giấy, lò có, cá đù, mực nang
Cá thiều, cá ráy, cá chang
Lồi, đuối, hố, rựa, tôm càng, tôm que
Cá thu, cá mó, cá kình
Cá ảo, liệt lợ, lầm, cơm, trích, nhồng

Các loài cá biển sáp vô vùng này
Anh em Phước Thể mê say
Mành đèn, lưới rút đủ đầy, ấm no
Thuyền về chiếc nhỏ chiếc to…

Một khác biệt nữa: Hò bả trạo Bình Trị Thiên hay hò bả trạo Quảng Nam - Đà Nẵng rất nặng phần Nam ai đầu cuộc, ở đây thì phần Nam ai qua rất nhanh, niềm vui được nói đến nhiều hơn là nỗi niềm, khóc kể.

Theo tôi, có lẽ vì vùng biển này là một trong ba ngư trường lớn của Bình Thuận (Tuy Phong, Phan Thiết, Lagi) nên lòng tự hào của ngư dân địa phương là đương nhiên. Và cũng có lẽ chính vì công việc câu cắm quanh nghĩa trang cá voi này được khấm khá, tập trung nhiều ghe thuyền mà nơi đây được gọi tên là Cù lao Câu. Vì vậy mà hình thành nên một nghĩa trang thiêng liêng lâu đời giữa biển - một nghĩa trang đặc biệt - vui nhiều hơn buồn.

Nguyễn Hiệp