“Pháp trường giá lạnh” - thấu hiểu những số phận chốn pháp đình

Văn hóa - Ngày đăng : 10:49, 13/06/2011

(HNMO)- “Pháp trường giá lạnh” là cuốn ký sự của nhà báo Nguyễn Tuấn nhân kỷ niệm 86 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Đây cũng là một trong số những cuốn sách do NXB Thanh Niên ấn hành của các tác giả là phóng viên, nhà báo.

Nhà báo Nguyễn Tuấn



(HNMO)- “Pháp trường giá lạnh” là cuốn ký sự của nhà báo Nguyễn Tuấn nhân kỷ niệm 86 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là một trong số những cuốn sách do NXB Thanh Niên ấn hành của các tác giả là phóng viên, nhà báo. 


Pháp trường giá lạnh chọn lọc 30 bài phóng sự, ký sự pháp đình của Nguyễn Tuấn trong những năm trở lại đây. 30 bài - một con số ngẫu nhiên nhưng lại là những bài viết về những số phận đặc biệt nhất mà Nguyễn Tuấn từng gặp trong hành trình làm báo của mình. Đây cũng là những bài ký sự mà tác giả tâm đắc, được bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá cao trong phong cách viết, khai thác hồ sơ, tiếp cận nhân vật…

Là người am hiểu luật, cộng với lợi thế của người làm trong ngành, có mối quan hệ rộng và có được nguồn thông tin sớm, độc đáo… Nguyễn Tuấn đã thực hiện được những tác phẩm báo chí có thể coi là tiêu biểu để các bạn sinh viên coi như những tài liệu tham khảo hữu ích nhất về thể loại ký sự pháp đình.

Đọc tập sách này, độc giả sẽ gặp lại những ký sự với những vụ án nổi tiếng, những số phận vừa đáng giận vừa đáng trách, như: Nỗi day dứt 19 năm, Tôi đáng tội chết, Người đàn bà độc ác… Cũng qua cuốn sách, bạn đọc sẽ gặp những cuộc trò chuyện của tác giả với một số tên tội phạm nguy hiểm nhất, những tên tử tù, tại cơ quan điều tra, trước lúc xét xử hay trước khi bị giải ra pháp trường. Gặp gỡ một số người từng bị oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và đã được bồi thường. Hay một số tên tội phạm nguy hiểm nhưng thoát án tử hình, hiện đang thụ án tại các trại giam... Với các bài ấn tượng như Tử tù Bùi Xuân Khánh, những chuyện ngoài bản án, Trước giờ khai đình, Pháp trường giá lạnh, Khúc ru người cha tử tù…Ngoài ra tập sách còn có những bài viết về những điều nhiều người ít biết, như chuyện về những con người chuyên làm công việc vuốt mắt và khâm niệm tử tù…

Nhà báo Nguyễn Tuấn sinh năm 1963, Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học Luật Hà Nội, hiện là Trưởng ban Cuối tuần, báo An ninh Thủ đô. Anh là tác giả của: Kháng cáo (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2002); Cố nhân (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2008); In chung trong gần 20 tập truyện ngắn và ký…

“Nguyễn Tuấn học Đại học Cảnh sát nhân dân, thông hiểu cả nghiệp vụ công an lẫn luật pháp. Chính vì thế những bài ký sự pháp đình, những vấn đề mang tính “hậu trường” của nghề luật và nghề điều tra của anh không bao giờ ồn ào, nhưng luôn đủ sâu và lấy đủ niềm tin của bạn đọc. Tôi là người hậu sinh, đến với nghề sau anh nhiều năm, điều lớn nhất tôi học được từ anh chính là sự thận trọng, dù đó là chi tiết nhỏ nhất. Có những chi tiết vụn, nhưng lại phục vụ được những ý tưởng lớn và làm nảy ra nhiều vấn đề không nhỏ. Có những thứ tưởng như hào nhoáng, to tát, nhưng thực chất chỉ là những chiêu lừa mị. Đó chính là cái khó của người viết nội chính và pháp luật. Một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Nhận chân ra được sự thật, hiểu ngọn nguồn, bản chất của sự việc là điều cần thiết của một người làm báo chính luận. Bởi đó là những vấn đề thuộc về quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của con người, trực tiếp tác động lên những mối quan hệ xã hội. Một bài báo có thể minh oan cho những người dân vô tội. Nhưng cũng có những bài báo đẩy con người ta vào những hoàn cảnh khốn cùng, khó có thể nói lời thanh minh. Thận trọng để hiểu rõ những gì mình đang viết, đó là cách quan trọng nhất không dẫn đến sai lầm và ngòi bút không trở thành vũ khí của cái ác. Có lẽ đó là một bài học với những người trẻ mà Nguyễn Tuấn đang truyền dạy từ những bài viết của mình.

Viết những gì mình nắm rõ và hiểu được điều mình muốn gửi tới bạn đọc, không chỉ là chuyện kinh nghiệm và kỹ năng, mà còn cả cái Tâm của người làm báo. Khi xác định rõ được điều ấy, dù viết về bất cứ đề tài nào, người ta cũng không bị rơi vào sự sáo mòn hay sự cường điệu, ly kỳ, giật gân, câu khách. Nguyễn Tuấn là một người như vậy. Nhưng anh dường như là kẻ im lặng trong những diễn đàn của nghề. Người đàn ông này làm việc cần mẫn và náu mình vào những trang viết. Anh viết báo và viết văn, nhưng đề tài hình sự vẫn là đề tài máu thịt của anh. Âu cũng là cái nghiệp, khi anh mang trên mình bộ sắc phục công an trong suốt mấy chục năm qua…”- Nhà văn, nhà báo Dương Bình Nguyên đã chia sẻ như vậy về người đồng nghiệp của mình.

T.Minh