Khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 13/06/2011

Cả nước phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM *Năm 2011, Hà Nội phấn đấu hoàn thành lập quy hoạch NTM cho 100% số xã; thẩm định, phê duyệt đề án của 19 huyện, thị xã

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng NTM" nhằm khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.

NTM khởi sắc trong khó khăn


Nạo vét kênh nội đồng kết hợp làm đường giao thông, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân theo tiêu chuẩn nông thôn mới  tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay 100% các tỉnh, thành phố đã thành lập được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, văn phòng điều phối, 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Đối với các địa phương làm điểm, sau gần hai năm thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu. Nhiều xã đã đạt và cơ bản đạt được nhiều nội dung trong Bộ tiêu chí Quốc gia, tăng hơn hai đến ba lần so với trước khi triển khai. Nhiều tỉnh, thành phố triển khai tích cực và đã có kết quả tốt như Hà Nội, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, An Giang, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Bạc Liêu, Thái Bình... Theo ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ) được Trung ương chọn là xã điểm NTM cả nước, sau hai năm triển khai có 14/19 tiêu chí cơ bản đạt từ 90-100%, 5 tiêu chí còn lại đạt 70%. TP cũng đã chọn 3 xã điểm là Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng) làm điểm của TP bước đầu cũng thu được những kết quả nhất định.

Tại xã Song Phượng (Đan Phượng) đã và đang thực hiện 40 dự án với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng, xã Đại Áng triển khai được 7 dự án với khoảng 21,3 tỷ đồng, xã Mai Đình thực hiện 11 dự án với 17,7 tỷ đồng, 18 xã điểm/18 huyện, thị đã được UBND TP phê duyệt đề án. Năm 2011, TP phấn đấu hoàn thành lập quy hoạch NTM cho 100% số xã; thẩm định, phê duyệt đề án của 19 huyện, thị xã.

Dự kiến, tổng số vốn cho xây dựng NTM năm 2011 của thành phố là hơn 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện có ba khuynh hướng lo ngại nhất trong quá trình xây dựng NTM ở các địa phương là tư tưởng nóng vội; trông chờ, ỷ lại ở trên; coi việc xây dựng NTM như một dự án đại công trường. Trong 19 tiêu chí về NTM, các tiêu chí về xây dựng hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp; tăng thu nhập nhanh, bền vững; tổ chức sản xuất theo hướng lập hội nghề nghiệp; dồn điền đổi thửa… là những vấn đề nhiều địa phương gặp khó. Thực tế kiểm tra cho thấy, có một bộ phận cán bộ các cấp và người dân nông thôn hiểu chưa đầy đủ về các nội dung xây dựng NTM như vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, công tác quy hoạch; các phương thức phát triển sản xuất để tăng thu nhập, xây dựng lối sống văn hóa ở nông thôn...

Góp sức xây dựng NTM

Để xây dựng NTM trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trên cả nước, Chính phủ đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia... Phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, gắn phong trào thi đua với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với việc tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào thi đua khác trên địa bàn tỉnh, thành phố. Thủ tướng yêu cầu sau khi kết thúc giai đoạn 1 (2011- 2015), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua xây dựng NTM, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM để làm cơ sở triển khai tiếp giai đoạn 2 (2015-2020) và tổng kết vào năm 2020. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tiêu chí khen thưởng mỗi giai đoạn và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khen thưởng kịp thời. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, các cơ quan truyền thông trong cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM.

Hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" có ý nghĩa sâu sắc, tác động đến của toàn bộ hệ thống chính trị và nhận thức nhân dân; khơi dậy, động viên phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung sức chung lòng xây dựng NTM. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp quán triệt sâu sắc nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của phong trào thi đua cũng như huy động sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể cùng với bà con nông dân làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn đưa toàn ngành vươn lên giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ nay đến hết năm 2011, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đối tác quốc tế để họ tự giác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình. Phương châm của đợt tuyên truyền này là huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị vào xây dựng NTM; dùng đô thị tác động vào nông thôn; lấy công nghiệp tác động vào nông nghiệp; dùng công nhân, trí thức, thương nhân tác động vào nông dân… để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

Bạch Thanh - Nguyễn Mai