Việc thành lập Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội: Đã quá muộn!
Thể thao - Ngày đăng : 08:04, 12/06/2011
Bóng bàn Hà Nội xứng đáng đứng đầu cả nước. |
Từ nhu cầu
Năm 2007, những người tâm huyết với bóng bàn Thủ đô, lãnh đạo Sở TDTT cũ (nay là Sở VH,TT&DL) cùng đại diện Bộ môn Bóng bàn cũng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập LĐBB thành phố. Lúc ấy, đội tuyển Hà Nội vẫn giữ ngôi vị hàng đầu cả nước về các nội dung nam. Bất chấp sự xuất hiện của nhiều môn thể thao mới, phong trào chơi bóng bàn ở các cơ quan, cụm, phường… vẫn phát triển và được duy trì. Ngay trong giới lãnh đạo thành phố, quận, huyện, sở, ngành, doanh nghiệp cũng có nhiều người yêu thích, muốn đưa bóng bàn Hà Nội lên một tầm vóc mới và nhất là mong muốn thành lập LĐBB thành phố.
Công tác chuẩn bị đã được xúc tiến, "Ban Vận động thành lập LĐBB thành phố Hà Nội" cũng đã ra đời. Một đoàn cán bộ Hà Nội đã vào TP Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm xây dựng LĐBB. Dự thảo "Điều lệ LĐBB Hà Nội" cũng được xây dựng. Những bước đi tiếp theo đã được tính toán như đại hội liên đoàn, tổ chức những giải đấu lớn với sự tài trợ của các doanh nghiệp chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Nhưng vì nhiều lý do, tổ chức này chưa thể ra đời, để lại những tiếc nuối cho người trong cuộc.
Đến đòi hỏi thực tiễn
Từ năm 2007 đến nay, bóng bàn Hà Nội phát triển còn nhanh, mạnh hơn. Ngoài CLB Bóng bàn Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện hai "ông lớn" khác là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và T&T Hà Nội. Trên cả nước, không địa phương nào có tới 3 đội bóng bàn đỉnh cao như Hà Nội. Bóng bàn phong trào cũng có lượng người chơi đông đảo, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng. Chỉ riêng một giải bóng bàn do các thành viên trên diễn đàn "Bongban.org" tổ chức đã thu hút tới 54 đội với trên 400 tay vợt. Phong trào bóng bàn ở các cơ quan, công ty, cụm dân cư… vẫn duy trì đều đặn. Nhưng sự phát triển tự phát như hiện tại của bóng bàn phong trào Thủ đô lại cho thấy sự lãng phí lớn.
Bóng bàn phát triển là vậy nhưng cơ chế quản lý có phần phân tán nên khó tập hợp được sức mạnh. Bốn năm trước, Bộ môn Bóng bàn do Sở TDTT cũ chịu trách nhiệm, đến nay trách nhiệm này được chia cho 3 nơi và đều thuộc Sở: Phòng Nghiệp vụ, Bộ môn Bóng bàn của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội và Phòng Thể thao quần chúng. Do bị phân tán, bóng bàn Thủ đô đang phát triển theo hướng "mạnh ai nấy làm". Nếu có LĐBB, vai trò tập hợp, khuấy động phong trào tập luyện bóng bàn mới được thu về một mối. Khi ấy mới có thể nghĩ đến một "đời sống" bóng bàn đầy sôi động ở cả mảng phong trào lẫn đỉnh cao thay vì phát triển đông đúc nhưng lặng lẽ như hiện nay.
Không có LĐBB, Hà Nội sẽ thiệt nhiều bề trong quan hệ quốc tế. Chưa kể, Luật TDTT cũng hướng đến việc xã hội hóa thể thao, để các tổ chức xã hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm phát triển các bộ môn.
Nhiều người nói rằng, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa, Hải Phòng… đã có LĐBB trong khi thật lạ là Hà Nội lại chưa, dù nơi đây là cái nôi giúp phong trào bóng bàn phát triển mạnh mẽ. Vì vậy việc thành lập LĐBB Hà Nội giờ đã là muộn, nhưng dù muộn còn hơn không.