Từ xe kéo tay đến xích lô
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:15, 11/06/2011
Thân phận phu xe
Xe kéo tay thời xưa. Ảnh: tư liệu
"Hồi ký về Hà Nội 1883-1885" của Công sứ Bonnal, phần về “Ở Bắc kỳ, ghi chép và kỷ niệm (Au Tonkin-notes et souvenirs)”, Bonnal viết: “Tôi mang hai chiếc xe tây Djinnrickshas (pousse pousse - xe tay kéo) từ Nhật Bản về, tôi biếu ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ một chiếc và sau đó nó đã được thuộc cấp của ông này cho người bản xứ làm cho mình rồi người châu Âu ở đây cũng bắt chước để dùng riêng". Tuy nhiên, xe ngựa hòm và cáng vẫn là phương tiện chuyên chở khách chủ yếu trong thành phố và khi đi xa. Trong cuốn "Đông Dương ngày ấy, 1898-1908" của Claude Bourrin, một nhân viên thuế ở Sở Thuế Bắc kỳ, đã kể rằng ông đi từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng cáng có 4 người phu khiêng.
Xe kéo tay nguồn gốc từ Nhật Bản là chiếc xe hòm có chỗ ngồi cao hơn trục bánh xe. Bánh xe bằng sắt trong khi lúc đó đường sá Hà Nội vẫn còn rải đá và duy nhất có đường Paul Berts (Tràng Tiền ngày nay) được trải nhựa nên rất dễ lật. Con trai Nguyễn Hữu Độ là Phái ngồi xe bị lật ngay trên phố Hàng Gai. Dù có tiếng kêu lóc cóc nhưng dù sao xe tay cũng đã giải phóng cho những người phu khiêng cáng. Nhu cầu dùng xe tay tăng cao, viên quan thuế về hưu Leneven đã nhập từ Nhật Bản và Hồng Kông về cho thuê. Năm 1887, Leneven qua đời để lại gia tài kếch sù. Những nhược điểm của xe kéo tay được các nhà sản xuất cải tiến, chỗ ngồi thấp hơn hai bánh, có dù che nắng và người ta thay bánh sắt được bằng cao su đặc nên đi êm hơn, nhẹ hơn. Năm 1890, Công ty Verneuil et Gravereand ở phố Rialan (nay là Phan Chu Trinh) đã sản xuất cả xe bánh sắt và xe bánh cao su, loại bánh sắt được bán về các tỉnh lân cận.
Việc mở mang các tuyến đường giao thông được chính quyền thành phố làm khá nhanh, tính đến ngày 1-1-1902, Hà Nội có 52km đường trong đó hơn 10km đã rải đá và đây là yếu tố làm tăng nhanh chóng số xe kéo tay. Theo báo cáo thông qua quyết toán thuế do Đốc lý Baille ký ngày 10-1-1902, số tiền thuế xe tay thành phố thu được năm 1897 là 26.530 đồng, năm 1898 là 32.165 đồng, năm 1899 là 40.450 đồng và năm 1901 là 43.370 đồng. Trước đó ngày 15-3-1892, Đốc lý Chavassieeux ký mức thuế một năm cho một chiếc xe tay là 60 đồng. Như vậy, năm 1897 có 442 xe và đến năm 1901, Hà Nội có tới 728 chiếc. Thu thuế từ xe tay còn cao hơn hai lần rưỡi thuế đánh vào lò mổ và kém tí chút thuế chợ. Cho thuê xe tay phất nhanh nên nhiều chủ người Việt lao vào mở hiệu và sản xuất như Hữu Tam Đồng ở Hàng Buồm, Nguyễn Huy Hợi ở phố Hàng Chiếu.
Ngồi xe tay ban đầu là người Pháp, công chức, nhà giàu và me Tây, vì thế các con gái nhà lành không dám đi xe này sợ thiên hạ nghĩ mình là me Tây. Mãi sau này, các cô mới sử dụng mà cũng chỉ đi xe bánh sắt để phân biệt với đám me Tây chuyên đi xe bánh cao su. Khi bưu điện Hà Nội có bưu chính, bưu tá nhận thư từ trung tâm là có xe tay đưa đi các phố giao thư từ, công văn. Nhà báo Phạm Quỳnh, chủ bút tờ Nam Phong (1915-1943) lúc nào cũng ngồi trên chiếc xe tay bóng nhoáng đến tòa báo. Thời gian đầu, phu xe ăn mặc như lính triều đình, quần túm ống, đội mũ. Phần lớn phu xe là đàn ông bỏ quê ra Hà Nội.
Đầu những năm 1930, giao thông công cộng đã có ô tô khách, xe điện đã mở tới Ngã Tư Sở, Bệnh viện Bạch Mai, Ngã Tư Mơ và phía Bắc đã lên tới Yên Phụ. Số xe ô tô con cũng tăng lên đáng kể và đặc biệt là xe đạp. Thế nhưng, số lượng xe tay vẫn lên tới gần 3.000 chiếc. Phu xe vất vả nhưng thu nhập lại không đáng là bao, họ bị những nhà cho thuê xe chèn ép. Từ phu chuyên nghiệp thuê cả ngày đến kẻ làm thêm chỉ thuê vài tiếng và đều phải trả tiền trước. Trả xe chậm vài phút cũng bị phạt, va quệt phải đền nên nhiều phu xe chạy quanh năm không trả hết nợ bởi chủ xe đưa ra mức đền quá cao, còn họ không biết kêu ai. Năm 1931, một phu xe đang chở khách, đuối sức đã gục chết ngay giữa đường làm rung động trái tim nhà báo Tam Lang. Tam Lang tên thật là Vũ Đình Chí, ông sinh ngày 26-3-1900, trong một gia đình công chức ở Hà Nội, học sư phạm dở dang sau đó đi viết văn, làm báo. Ông bắt chước nữ nhà báo Pháp Maryse Choisi, tự khoác vào mình thân phận một cô gái điếm để viết. Tam Lang thuê xe tay của các chủ khác nhau lao ra đường kiếm khách. Nhiều khi ông chạy cả đêm để có cảm giác thật của kiếp phu xe chuyên nghiệp nhọc nhằn, khốn nạn như thế nào. Ông kéo xe đến phố Lô cốt Bắc (vì phố có nhiều phụ nữ Việt có chồng là lính và sĩ quan Pháp đóng trong thành nên dân phu xe gọi là phố vợ Tây - nay là phố Phó Đức Chính) chầu chực chở vợ con họ đi chợ. Ông cũng lăn lộn ở xóm Bãi Cát (khu vực An Dương và Phúc Xá bây giờ) để tìm hiểu bởi xóm bờ sông này có nhiều phu thuê trọ và thường xuyên vay tiền nặng lãi trả tiền thuê xe. Ông cũng tận mắt chứng kiến cảnh có phu chết, những người trọ cùng không biết chôn ở đâu vì không có tiền mua đất nên đành vùi xuống dải cát men sông Hồng để rồi nước dâng lên cuốn xác đi. Và rồi vợ họ đẻ con không làm được khai sinh, người lớn không chứng minh. Phóng sự điều tra "Tôi kéo xe" được đăng tải trên "Hà thành ngọ báo" năm 1932. Phóng sự đã thức tỉnh những người có lương tâm trong xã hội lúc bấy giờ nhưng không làm động lòng đám cai trị.
Dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, Trương Tửu có bài bình trên báo "Loa", ông viết: "Tôi kéo xe là quyển tiểu thuyết tả chân giá trị nhất trong văn học Việt Nam hiện đại - bởi lẽ Tam Lang đã thu góp chất liệu sống cực khổ, nhọc nhằn của phu xe kéo, tác giả biết loại bỏ những đoạn kịch trá hình (détails mélodramiques) để làm gì? Để nhìn rõ: trong cặp mắt sâu hoắm như hai cái lỗ đáo ở chiếc đầu lâu, anh ta để rơi xuống đất mấy giọt nước mắt khô khan như pha lẫn máu. Những tình tiết ấy tạo thành cuốn tiểu thuyết, ông có trí tưởng tượng của một thi sĩ, ông có (sự) bình tĩnh của một nhà báo - với ba đức tính này, ông có thể trở thành một nhà văn đại tài…". Còn Hoài Thanh viết trên "Tiểu thuyết thứ bảy": "Tôi kéo xe vẫn là tập phóng sự giá trị. Tác giả đã làm cho ta nghe thấy những điều ở ngay trước mắt ta, bên tai ta, mà ta không nghe thấy…". Phu xe kéo tay cũng trở thành đề tài cho các nhà văn, truyện ngắn "Người ngựa, ngựa người" của Nguyễn Công Hoan đăng báo lần đầu tiên vào năm 1932 gây chấn động như phóng sự "Tôi kéo xe" của Tam Lang. Không chỉ xót thương thân phận con người mà "Người ngựa, ngựa người" là lời tố cáo chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến. Một phu xe và một cô gái điếm gặp nhau trong hoàn cảnh thật trớ trêu: gần giao thừa. Anh phu xe mệt mỏi nhưng phải cố kéo đưa ả gái điếm quá "đát" đi hết chỗ này chỗ khác tìm khách. Cả hai đều muốn kiếm một món tiền để ăn tết. Song kết cục thảm bại cho anh phu xe, vừa mất mấy xu cho ả này vay mua hạt dưa lại mất công chờ qua giao thừa trong khi ả vờ vào nhà quen rồi luồn cửa sau chuồn mất.
Khoảng 10 năm sau, kể từ khi phóng sự "Tôi kéo xe" ra đời, ở Hà Nội không còn bóng dáng một chiếc xe nào nữa. Xe tay "chết" đúng vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II và tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra ở Việt Nam trong đó có Hà Nội khiến ô tô con, ô tô khách phải đắp chiếu cho thấy báo chí và văn học đã góp phần đào mồ chôn sản phẩm từng được gọi là văn minh phương Đông. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, một sắc lệnh xóa bỏ xe tay được ban hành chấm dứt hoàn toàn phương tiện "bóc lột sức lao động con người" sau nửa thế kỷ tồn tại ở Việt Nam.
(Còn nữa)