Tưởng dễ mà khó

Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 11/06/2011

(HNM) - Cả nước hiện có trên 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi (31,9%) và cứ 5 trẻ lại có 1 trẻ bị SDD thiếu cân (18,9%). Đáng chú ý, tình trạng SDD thấp còi và thừa cân, béo phì đang có dấu hiệu tăng. SDD ở những năm đầu đời sẽ dẫn tới sự suy giảm sức khỏe vĩnh viễn, kéo theo nhiều hệ lụy.


Tưởng biết hóa không

Người làm cha mẹ, thấy trẻ càng mũm mĩm thì càng đáng yêu. Tuy nhiên, sự mũm mĩm ấy nằm trong độ an toàn hay đã "vượt ngưỡng" thì không phải ai cũng biết.


Trẻ em được chăm sóc và có chế độ nuôi dưỡng tốt sẽ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ. Ảnh: Thái Hiền


Cháu M, con của một bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai mới tròn 3 tuổi đã nặng 24,5kg, cao 96cm. Cậu bé ăn rất tốt, da thịt chắc nịch, là niềm tự hào của cả nhà và được các bà mẹ xung quanh ngưỡng mộ. Tuy nhiên, các bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng đánh giá đây là trường hợp béo phì. So với độ tuổi thì cân nặng của cháu M đã quá mức bình thường 10kg và vượt ngưỡng béo phì 4kg. Các bác sỹ cũng cho biết, trẻ béo phì có cha, mẹ là người trong ngành y lại rất khó tư vấn, vì họ thường cho rằng mình "thừa hiểu biết". Trẻ thừa cân, béo phì thường ở gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, bố mẹ có trình độ nhận thức cao nhưng khi biết con thừa cân, béo phì, họ hay phủ nhận và khó chấp nhận việc cho con đi tư vấn cũng như thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Có trường hợp mới 4 tuổi đã nặng 30kg và mẹ của bé, dù biết con mình hơi thừa cân nhưng không có ý định cho con giảm chế độ ăn, thậm chí đã tỏ ra không hài lòng vì tháng 5 vừa qua cậu con trai không tăng cân nào.

Trái với thừa cân, béo phì là thiếu cân và thấp còi. Trong ngày uống vitamin A và cân đo trẻ ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, tìm mỏi mắt cũng không thấy trường hợp nào mập mạp đến độ thừa cân, béo phì. Ông Lưu Văn Bản, Trạm trưởng Trạm y tế xã cho biết, tìm trẻ béo phì ở đây thì khó lắm, đa số các cháu ở mức bình thường nhưng có đến 14% trẻ SDD cân nặng và 19% là SDD thấp còi. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, hiểu biết về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn theo quan niệm "có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn", nên các bà mẹ duy trì chế độ ăn cho con theo kiểu… có gì ăn nấy.

Thực hành đơn giản

Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là quy luật tự nhiên. Vậy mà ngày nay, chức năng thiên bẩm đó ít được các bà mẹ thực hiện tốt. Số trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ngày càng ít đi, cứ 10 trẻ thì chỉ có 2 được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong thực hành nuôi dưỡng trẻ lý tưởng thì NCBSM là yếu tố đầu tiên và mang tính quyết định nhất. Sau đó là chế độ ăn bổ sung hợp lý theo lứa tuổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và phát triển), trên 90% phụ nữ mang thai đi khám thai nhưng không được hoặc ít được tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 10 triệu USD để giải quyết các vấn đề sức khỏe do không thực hành chăm sóc trẻ tốt. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, SDD thấp còi từ khi còn bé là một trong các nguyên nhân tiềm tàng làm tăng nguy cơ của các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch. SDD thấp còi ở trẻ em không những ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành mà còn ảnh hưởng đến khả năng lao động và thu nhập quốc dân.

Là quốc gia có nền an ninh lương thực được bảo đảm và 90% dân số biết đọc biết viết, Việt Nam đang có ưu thế để thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Vì vậy, để cải thiện tình trạng SDD, theo Bác sỹ Phạm Thúy Hòa, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chỉ cần các gia đình thực hiện NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm sẵn có ở địa phương và đặc biệt lưu tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tháng hành động Vì trẻ em để mọi gia đình, toàn xã hội quan tâm hơn đến mầm non của đất nước, không chỉ bằng việc chăm lo cho trẻ nghỉ ngơi vui chơi, mà còn bằng việc dành thời gian để nhìn nhận thêm về chế độ nuôi dưỡng trẻ nhỏ để trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ.

Vân Nga