Quản lý, giám sát nợ công: Chặt chẽ, tránh rủi ro

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 11/06/2011

(HNM) - Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách-VEPR (Đại học Quốc gia) tại báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011, nợ công sẽ tăng dần đều và đạt mức 64% GDP vào năm 2015.

Thách thức với các nhà hoạch định chính sách hiện nay là cân đối hợp lý các khoản nợ công, phục vụ mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Nợ công sẽ tăng dần

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) - Bộ Tài chính, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập sâu, nhu cầu vốn phục vụ đầu tư, phát triển tăng mạnh. Về lý thuyết, nếu không có đầu tư, nền kinh tế không phát triển nhưng nếu đầu tư quá mức, vay quá nhiều, có thể dẫn đến rủi ro, thậm chí gây bất ổn kinh tế vĩ mô cho mỗi quốc gia. 



Rà soát toàn bộ dự án sử dụng vốn vay góp phần giảm rủi ro về tỷ giá lãi suất. Ảnh: L. T




Tại báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2011 do VEPR, Đại học Quốc gia công bố mới đây, nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo, nợ công Việt Nam sẽ tăng dần và đạt mức 64% GDP vào năm 2015; lên 80% GDP vào năm 2020. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải giảm dần thâm hụt ngân sách tổng thể từ mức 7,7% (năm 2009) xuống còn 2,8% GDP vào năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, các chỉ số nợ của Việt Nam ở mức an toàn, nợ công được quản lý chặt chẽ theo quy định. Các khoản nợ trong nước và nước ngoài được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Cụ thể, chỉ số nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn dưới ngưỡng an toàn (50% GDP). Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 16% tổng thu ngân sách nhà nước (giới hạn an toàn 35%). Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung và dài hạn trong nhiều năm qua khoảng 3,3 - 4,8% kim ngạch xuất khẩu (giới hạn an toàn là 25%). Cơ cấu nợ nước ngoài đang giảm dần so với tổng dư nợ của Chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài… So với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm, chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức trung bình.

Tuy nhiên, theo ông Võ Hữu Hiển - Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục QLN&TCĐN, việc quản lý nợ công hiện phải đối phó với nhiều rủi ro phát sinh. Đơn cử, thu ngân sách của nước ta chủ yếu bằng đồng Việt Nam nên phải mua ngoại tệ để trả nợ. Vừa qua, khi Chính phủ điều chỉnh chính sách tỷ giá đã kéo theo nghĩa vụ trả nợ cho các khoản ngoại tệ tăng lên. Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng về những bất cập trong việc tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến việc thanh toán nợ công. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ xây dựng quy chế quản lý rủi ro về nợ công, dự kiến cuối năm 2011 sẽ ban hành, trong đó có rủi ro về tỷ giá, nhằm khắc phục những bất cập nêu trên.

Tăng tỷ trọng vay trong nước

Theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2020- 2030 do Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ, nguyên tắc quản lý của Luật Quản lý nợ công là bảo đảm dư nợ hợp lý, sử dụng vay nợ hiệu quả phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Trong chiến lược quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã tính đến việc các khoản vay ưu đãi, vay từ nguồn vốn ODA sẽ giảm dần, tiến tới chuyển sang vay ngắn hạn. Năm 2020 khả năng vay ưu đãi không còn mà sẽ thực hiện vay theo cơ chế thị trường. Định hướng chiến lược của Chính phủ với nợ công là tăng tỷ trọng vay trong nước đối với khu vực công; tăng nguồn vốn vay trong nước, giảm dần nguồn vốn vay nước ngoài. Bộ Tài chính sẽ rà soát toàn bộ dự án sử dụng vốn vay nhằm đánh giá xem dự án nào nên huy động vốn nước ngoài và dự án nào có thể huy động vốn trong nước nhằm giảm tối đa rủi ro về tỷ giá, lãi suất.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Thông tư mới hướng đến mục tiêu giúp các ngành chức năng có cơ sở để đề xuất với Chính phủ điều chỉnh danh mục nợ kịp thời, tối ưu hóa các phương án huy động vốn.

Ông Võ Hữu Hiển cho biết, điểm mới trong hướng dẫn về giám sát và công bố thông tin là phạm vi giám sát đã bao hàm cả nợ công (trước đây chỉ công bố nợ quốc gia và nợ nước ngoài). Về chỉ tiêu an toàn nợ, theo Chiến lược phát triển ngành tài chính Việt Nam đến năm 2010 chỉ công bố hai chỉ tiêu nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP. Nhưng hiện nay, hướng dẫn đưa ra một hệ thống gần 20 chỉ tiêu cần phải báo cáo để xác định mức an toàn. Hệ thống này chia làm 3 nhóm: chỉ tiêu về quy mô, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng vốn cũng như công tác xử lý nợ trên cơ sở tham khảo của ngân hàng thế giới (WB)…

Công tác quản lý nợ công dự kiến sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn trước. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các khoản vay, giảm dần tỷ lệ vay nước ngoài, việc giám sát chặt chẽ nợ công sẽ giúp Chính phủ có quyết sách kịp thời, góp phần giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Hương Ly