Bình ổn giá thuốc: Chưa rõ hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 11/06/2011
Quá ít thuốc bình ổn giá
Tại cuộc họp với UBND TP Hồ Chí Minh vào ngày 7-6, Sở Y tế cho biết, 325 nhà thuốc đăng ký tham gia chương trình đã đưa đầy đủ 45 loại thuốc bình ổn vào bán. Trong đó có 99 nhà thuốc của bệnh viện, 111 nhà thuốc của các doanh nghiệp và 115 nhà thuốc tư nhân. Theo Sở Y tế, các nhà thuốc này đều tuân thủ đúng quy định của cơ quan chức năng trong việc treo băng rôn chương trình bình ổn, niêm yết giá thuốc… để người bệnh có thể chọn nhà thuốc bình ổn giá để mua. Cũng theo Sở Y tế, doanh thu các mặt hàng thuốc bình ổn của 4 doanh nghiệp tham gia chương trình (gồm Domesco, Dược 3/2, Euvipharm và Glomed) trong tháng 5 là 580 triệu đồng, tăng nhẹ so với bình quân doanh thu hằng tháng trước đó.
Cần quản lý giá thuốc tốt hơn để giảm bớt khó khăn cho người bệnh.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì hầu như không nhà thuốc nào treo băng rôn thông báo có hàng bình ổn để người bệnh nhận biết mà mua thuốc! Cũng theo Sở Y tế, 99 nhà thuốc tại bệnh viện đưa thuốc vào chương trình bình ổn đã đạt 100%, nhưng tại các nhà thuốc Bệnh viện như Tai - mũi - họng, quận 3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... cũng không thấy băng rôn thuốc bình ổn giá. Trước đây, ngày 26-4 khi bắt đầu bán thuốc bình ổn giá, các nhân viên ở đây cho biết chỉ được Sở Y tế phát 2 logo chứ không hướng dẫn treo băng rôn. Và đến thời điểm này, gần hai tháng sau khi thực hiện thì các nhân viên cũng cho biết Sở Y tế không hướng dẫn gì thêm.
Việc mua thuốc bình ổn cũng rất khó với người bệnh vì có quá ít nhà thuốc tham gia chương trình bình ổn (325 nhà thuốc trong tổng số 3.656 nhà thuốc trên địa bàn thành phố). Sở Y tế cho biết, hiện đang tiếp tục mở rộng các điểm bán thuốc bình ổn, và cho đến nay đã làm việc với 400 nhà thuốc để chuẩn bị cho các nhà thuốc này tham gia chương trình.
Nhà nước phải quản lý tốt giá thuốc
Chương trình bình ổn giá thuốc - cũng như các chương trình bình ổn khác mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, là nhằm giảm gánh nặng cho người bệnh thông qua việc bán một số nhóm thuốc thấp hơn giá thị trường 10%. Và qua đó, kỳ vọng sẽ điều tiết được giá thuốc thị trường. Tuy nhiên, thuốc lại là mặt hàng đặc thù, nên việc bình ổn là rất khó. Bên cạnh đó, người sử dụng mặt hàng này không thể tự quyết định món hàng mình mua mà phải cần đến bác sĩ, dược sĩ kê đơn.
Một điều nhức nhối từ nhiều năm nay là dù Luật về dược đã được ban hành nhưng tình trạng mua bán lòng vòng đẩy giá thuốc lên cao, tình trạng hoa hồng cho bác sĩ kê toa vẫn còn tràn lan. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người bệnh khốn khổ với giá thuốc. Chính vì vậy, việc khuyến khích dùng thuốc bình ổn không phải từ người bệnh mà từ bác sĩ và các dược sĩ bán thuốc.
Bỏ tiền ngân sách ra bình ổn giá thuốc, nhưng nếu việc quản lý không tốt thì người nghèo vẫn khổ. Bởi, với chỉ 45 loại thuốc điều trị các bệnh thông thường và mạn tính như giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, đau dạ dày, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm… so với hàng ngàn mặt mặt hàng thuốc đang lưu hành hiện nay chỉ là "muối bỏ bể". Vì vậy, việc kỳ vọng giá các nhóm thuốc này được điều tiết là rất khó.
Chính vì thuốc là mặt hàng thiết yếu, đặc thù, nên việc kiểm soát giá không thể kỳ vọng vào các mặt hàng bình ổn. Việc tăng giá thuốc cần phải giải quyết tận gốc vấn đề tăng giá ở tầm vĩ mô từ trên xuống và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, tất cả các địa phương. Cụ thể là quản lý giá, quản lý khuyến mãi. Chẳng hạn, hiện nay, người tiêu dùng là người sử dụng thuốc trực tiếp thì không được khuyến mãi, trong khi đó các công ty dược lại tập trung ưu ái, khuyến mãi cho các nhà phân phối, bác sĩ. Bên cạnh đó là quản lý chặt việc hoa hồng cho bác sĩ kê đơn, khuyến mãi thuốc, để các đơn thuốc của người bệnh có được đúng thứ thuốc cần, đúng giá tiền. Có như thế thì giá thuốc mới ổn định, và người nghèo bớt khổ vì bệnh, và việc bình ổn thuốc không chỉ là phong trào.