Mạnh tay bình ổn thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 10/06/2011
Trước đó, ngày 9-4, NHNN đã ban hành quy định trần lãi suất huy động USD với cá nhân là 3%/năm, giảm mạnh so với mức cao nhất khi đó là 5-6%/năm. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc giảm trần lãi suất huy động USD khiến ngân hàng khó khăn hơn khi huy động USD, nhưng cũng không quá khó, vì mức lãi suất này áp dụng cho tất cả các ngân hàng. Theo các chuyên gia, đây là một bước đi tiếp theo của ngành chức năng trong lộ trình giảm đô la hóa nền kinh tế, với các biện pháp được thực hiện gần đây là tăng dự trữ bắt buộc bằng USD liên tục 2 lần từ đầu năm, hạ trần lãi suất huy động USD cũng liên tục 2 lần từ đầu năm đến nay và buộc các DN (kể cả DN có vốn nhà nước hơn 50%) bán USD cho ngân hàng. Đó là biện pháp mạnh tay để bình ổn thị trường.
Với cách làm này, việc gửi USD không còn hấp dẫn, khi đó lượng tiền lớn bằng ngoại tệ sẽ được chuyển sang VND để gửi vào ngân hàng lấy lãi suất cao, đồng thời các DN nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng... và như vậy, nguồn VND trong ngân hàng sớm được cải thiện, lãi suất huy động VND sẽ giảm xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo mà không cần sự can thiệp của ngành chức năng. Bằng cách làm này, việc huy động - cho vay USD sẽ dần thu hẹp, tiến tới xóa bỏ quan hệ huy động - cho vay bằng USD trong ngân hàng, mà chỉ còn quan hệ mua - bán. Theo đó, tình trạng đô la hóa nền kinh tế sẽ giảm dần, ổn định tỷ giá và ổn định VND. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, tính đến tuần cuối của tháng 5, cho vay bằng tiền đồng chỉ tăng 2,6% so với cuối năm 2010, trong khi cho vay ngoại tệ, chủ yếu là USD, tăng đến 18,9%. Bởi, cho vay bằng USD chỉ 5-7%/năm, còn cho vay bằng VND vẫn cao, khoảng 20-22%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, với những chính sách gần đây đối với USD, nguồn vốn ngoại tệ sẽ thu hẹp. Đặc biệt, chính sách tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ với các ngân hàng không làm chi phí vốn của ngân hàng tăng, tức lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ không tăng cao do trần lãi suất huy động đã hạ thấp. Tuy nhiên, dù lãi suất USD không tăng, nhưng DN cũng không dễ vay được ngoại tệ từ ngân hàng do nguồn ngoại tệ huy động được dự báo có xu hướng giảm, vì ngân hàng cũng phải chọn lọc khách hàng để cho vay ngoại tệ. Hơn nữa, NHNN đã có Thông tư số 7 (có hiệu lực từ đầu tháng 5) hạn chế bớt đối tượng được vay ngoại tệ, nhất là đối tượng vay để nhập hàng xa xỉ, làm tăng nhập siêu khi tăng trưởng dư nợ ngoại tệ tiếp tục cao trong các tháng qua. Nhưng, nếu DN vay ngoại tệ rồi bán lấy VND để đầu tư sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm, 3 đến 6 tháng sau ngoại tệ quay về sẽ được dùng để trả nợ cho ngân hàng, như vậy, nguồn ngoại tệ để bán cho ngân hàng sẽ thiếu trong những tháng cuối năm trong khi nhu cầu mua ngoại tệ không đổi có thể sẽ tạo áp lực lên VND. Có một thực tế là 5 tháng đầu năm nay, nước ta nhập siêu tới 6,5 tỷ USD (chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu), nên nếu nhập siêu không được kiềm chế vào cuối năm, áp lực về cung ngoại tệ sẽ tăng. Hơn nữa, tỷ giá đang diễn biến tích cực, nhưng chỉ là ngắn hạn, áp lực lên VND vẫn lớn do nhập siêu vẫn tiếp tục ở mức cao. Ngoài ra, lãi suất USD thấp có thể khiến các dòng tiền bên ngoài đổ vào ít hơn. Nếu xu hướng trên tiếp tục tái diễn trong các tháng tiếp theo sẽ ảnh hưởng xấu đến cán cân thanh toán. Vì thế, về lâu dài, giải pháp để bình ổn thị trường ngoại tệ vẫn là nhập siêu. Trước mắt, những giải pháp của ngành chức năng như trên đã giúp các ngân hàng tận dụng triệt để nguồn ngoại tệ trong dân và các DN để bình ổn thị trường. Nhưng, về lâu dài, nếu nhập siêu vẫn lớn, tình trạng thiếu hụt ngoại tệ vẫn có thể xảy ra. Và khi đó, các chính sách để bình ổn thị trường sẽ khó khăn hơn.