“Sờ” đâu cũng thấy thiếu, yếu
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 10/06/2011
Sản xuất hàng cỏ tế xuất khẩu tại xã Phú Túc (Phú Xuyên). Ảnh: Thái Hiền
Nằm cách trung tâm Thủ đô chỉ hơn 30km nhưng hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa ở xã Phú Túc kém vào loại nhất nhì thành phố. Cấp học mầm non của xã hiện đang rải rác tại 7 điểm, đều là học nhờ tại các thôn, mang tính tạm bợ. Hiện xã đã có quy hoạch khu trường mầm non tại thôn Hoàng Xá, diện tích hơn 2.000m2 với 15 phòng học nhưng mới xây được 8 phòng học kiên cố cùng với cổng trường, tường bao, các hạng mục còn lại như khối phòng hành chính quản trị, 7 phòng học, bếp ăn, phòng y tế, sân chơi, hội trường, bãi tập, cây xanh… chưa hoàn chỉnh hoặc chưa được đưa vào dự án. Hệ thống trường THCS hiện có gần 600 học sinh với 15 phòng học thì có tới 11 phòng (trong đó có 3 phòng học tạm) đã xuống cấp, cần sửa chữa; bàn ghế cũ không phù hợp, thiếu ánh sáng, số phòng học thiếu. Trường tiểu học và THCS đều chưa có cổng, chưa có tường bao, phải tận dụng sân cát làm bãi tập, không có phòng chức năng…
Hiện tổng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phú Túc là 45,8km, trong đó đường trục xã, từ tỉnh lộ 73 đến xã Hoàng Long có chiều dài 3,2km đang được đầu tư, dự kiến đến tháng 3-2011 sẽ hoàn thành nhưng đến nay, tiến độ của dự án hết sức chậm, đường đất lầy lội. Đường trục thôn dài 14km, đa số là đường đất hoặc đã được cứng hóa nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng. Đường ngõ xóm tuy đã cứng hóa được 16,56km/28,6km nhưng do chưa có rãnh thoát nước hoặc rãnh thoát nước bằng đất, toàn bộ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường, gây úng ngập cục bộ thường xuyên. Điển hình như đoạn đường liên thôn Hoàng Lưu - Hoàng Xá - Lưu Đông 5 năm nay xuống cấp nghiêm trọng, vào giờ cao điểm, rất hay xảy ra ùn tắc. Ở khu vực này, thỉnh thoảng xã có cho đổ đá dăm vào ổ trâu, ổ voi nhưng do phương tiện đi lại nhiều nên chỉ sau một trận mưa là đâu lại vào đó. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã hiện có một tuyến kênh cấp 1 cùng nhiều tuyến kênh cấp 2, 3 và nội đồng nhưng số được bê tông hóa chưa được một nửa. Để đạt tiêu chí về thủy lợi - trên 80% được bê tông hóa - thì phải đầu tư kinh phí không nhỏ để tiếp tục nâng cấp các tuyến còn lại.
Theo lãnh đạo xã Phú Túc, cơ sở vật chất về văn hóa của xã còn rất yếu kém. Xã có 8 thôn thì 6 thôn không có cổng làng, 5 thôn chưa có nhà văn hóa, 3 thôn có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. 100% các thôn đều chưa có khu thể thao. Ông Bùi Hồng Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết, hiện xã cần đầu tư 13 tuyến đường liên thôn hoặc từ trục đường liên xã vào các thôn với kinh phí dự kiến hơn 30 tỷ đồng. Đó là chưa kể một số đoạn đường từ trục đường liên xã vào các khu trường học, trạm y tế, mỗi đoạn dài 200-300m đều thấp hơn mặt đường chính, xuống cấp, lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn. Hạ tầng giao thông kém ít nhiều ảnh hưởng tới tốc độ phát triển làng nghề nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Ví như các DN sản xuất mây tre giang đan không thể vận chuyển bằng xe trọng tải lớn mà thường phải vận chuyển nhỏ giọt, khiến chi phí giá thành đội lên cao.
Theo UBND xã Phú Túc, những năm trước đây xã đã huy động sức dân đóng góp làm đường và xây dựng một số công trình phúc lợi. Nhưng sau nhiều năm không được trùng tu, nâng cấp, bảo dưỡng nên công trình xuống cấp nhanh chóng. Xã Phú Túc đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này thì cần có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của người dân. Ngoài vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng là vốn, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ địa phương trong việc lập dự án, cân đối vốn xây dựng, vốn bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án này. Mặt khác, việc tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương cần phải được coi trọng đúng mức.