Trước hiểm họa vẫn chưa có tiếng nói chung

Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 10/06/2011

(HNM) - Một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto được cả thế giới trông đợi đã không thể đúng hẹn.

Trong lúc vòng đàm phán thứ hai của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu - khai mạc ngày 6-6 tại Bonn (Đức) đang tiếp diễn - LHQ đã phải thừa nhận hạn chót của Nghị định thư Kyoto (cuối tháng 12-2012) sẽ qua đi trước khi thế giới tìm được tiếng nói chung để bảo vệ màu xanh trên hành tinh.

Cuộc gặp tại Bonn có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu đến từ hơn 180 quốc gia nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về khí hậu dự kiến tại Durban (Nam Phi) vào tháng 12 tới. Cuộc tập hợp đông đảo các chuyên gia tại Bonn cho thấy môi trường lâm nguy đã được nhận diện; song cũng thật khó để khơi thông những bế tắc xung quanh mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giải quyết vấn đề này.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.

Những ý tưởng và chương trình đầy tham vọng, từ chính sách, chiến lược, đầu tư cho công nghệ xanh đến quỹ xanh dành cho khí hậu theo sáng kiến tại Hội nghị Cancun hồi cuối năm ngoái đã xuất hiện trên bàn đàm phán tại Bonn lần này. Tuy nhiên, những chia rẽ trong cắt giảm lượng phát thải khí CO2 vốn tồn tại nhiều năm qua giữa các nước phát triển và đang phát triển cũng như những nước nghèo vẫn chưa thể được thu hẹp.

Khi những tranh cãi liên quan đến lợi ích riêng của mỗi nước và mỗi nhóm nước chưa có hồi kết, một thực tế nguy hiểm - biến đổi khí hậu - đã được nhận diện và nổi lên như một thử thách chung với tất cả các quốc gia trên thế giới. Những thảm họa thiên nhiên với độ tàn phá chưa từng được biết đến trong lịch sử đã gia tăng ở khắp các châu lục. Phía sau mối ẩn họa có tác động lâu dài và được xem là nguy hiểm hơn chủ nghĩa khủng bố này là những nguy cơ về nhân đạo, kinh tế, sinh thái và dẫn đến bất ổn xã hội, an ninh và chính trị của các quốc gia. Những diễn biến bất thường của thời tiết cũng đang làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh lương thực, năng lượng, khoảng cách giàu - nghèo...

Đối phó hiệu quả với kẻ thù chung của nhân loại đã được nhìn nhận là không thể chỉ bằng sự cố gắng đơn lẻ của một quốc gia nào. Thế nhưng, hành trình tìm tiếng nói chung thời gian qua và nhất là đang diễn ra tại Bonn về biến đổi khí hậu cho thấy tính phức tạp của vấn đề. Một thực tế không thể phủ nhận là, thế giới vẫn chưa thể có biện pháp chung hữu hiệu để bảo vệ tương lai của Trái đất cho dù những cảnh báo đã hơn một lần được đưa ra.

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng 0,7 độ C, nước biển dâng 20cm. Theo kịch bản trung bình về biến đổi khí hậu, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng từ 1,2 đến 2,5 độ C, mực nước biển dâng tương ứng từ 38 đến 55cm. Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của khu vực - được cho là sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và khốc liệt nhất của nước biển dâng.

Vân Khanh