Cảnh báo trôi nổi thạch rau câu chứa độc tố
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:39, 09/06/2011
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV trên địa bàn Hà Nội, chiều 8/6, nhiều cửa hàng vẫn công khai bày bán sản phẩm này và nhiều loại thạch không nhãn mác.
Không có thạch Taro đã có thạch… không nhãn mác
Tại khu vực bán buôn lớn nhất nhì Hà Nội như chợ Đồng Xuân và phố Hàng Buồm, hầu hết các cửa hàng tạp hóa đều có bày bán thạch với đủ loại mẫu mã hết sức phong phú, đa dạng. Chủ yếu vẫn là các dạng thạch túi, thạch đóng trong hộp nhựa nhỏ, đặc biệt màu sắc xanh, đỏ, tím vàng… hết sức bắt mắt trẻ em.
Tại cửa hàng số 13 Hàng Buồm, chúng tôi hỏi thăm mua thạch của Công ty New Choice, chị bán hàng liên bảo “làm gì còn thạch của New Choice, thu hồi hết rồi vì có chứa chất gây ung thư, em không biết à. Thôi lấy loại khác ăn cho lành em ạ”. Và loại khác mà chủ chủ cửa hàng đưa ra là rổ thạch được xé lẻ rời từng cái chứ không phải nguyên cả gói, đặc biệt là… không nhãn mác.
Tìm kĩ hơn thì thấy sản phẩm thạch trái cây nhiệt đới mang nhãn của Công ty New Choice do Công ty Phú Toàn Thắng phân phối được bày lẫn lộn trong rổ nhựa cùng với rất nhiều sản phẩm thạch nhãn hiệu khác nhau như: thạch Song Hải, Bibi, Poke… với đủ hương vị hoa quả như dừa, khoai môn, táo, vải, dưa bở, rau câu…
Hỏi thăm tại vài cửa hàng ở chọ Đồng Xuân thì chúng tôi được cửa hàng T.D, số 11x. giới thiệu mua sản phẩm thạch trái cây mang nhãn hiệu của Công ty New Choice, và không người bán hàng không quên “thét” với với giá 50.000 đồng 1 gói 500gram vì cho rằng mặt hàng này đang khan hiếm, trong khi trước đây 1 gói thạch của New Coice cùng loại giá chỉ khoảng 20.000 đồng.
Trong mớ hàng hóa này vẫn có thạch Taro và nhiều loại thạch không nhãn mác.
Vẫn đang tiếp tục truy tìm
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ thanh tra ATVSTP Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc thu hồi các lô hàng thạch rau câu nhãn hiệu Taro nghi chứa DEHP (chất độc làm giảm khả năng sinh dục nam giới, lâu dài có thể gây ung thư) là do công ty chịu trách nhiệm. Vì vậy, “có thể họ đã thu hồi hết theo con đường siêu thị, nhà phân phối, còn các sản phẩm đã bán lẻ đến các cửa hàng tạp hóa trên thị trường thì rất khó thu hồi hết được”.
Cũng theo cán bộ này, các cơ quan chức năng không phối hợp với doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu hồi sản phẩm, tuy nhiên do đây đang là mặt hàng rất nhạy cảm với sức khỏe người tiêu dùng nên Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát và nếu phát hiện các sản phẩm này sẽ thu hồi ngay. Ngoài ra, tiếp tục lấy mẫu, kiểm tra nhằm phát hiện các sản phẩm thực phẩm khác (ngoài sản phẩm thạch Taro) có chứa DEHP dù đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện được thêm mẫu sản phẩm nào.
Riêng với những sản phẩm thực phẩm nói chung, thạch nói riêng có nhãn mác không rõ ràng, đầy đủ thông số theo quy định thì đều vi phạm quy định về ATVSTP, Thanh tra Sở khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không chọn mua các sản phẩm này.
Đại diện Cục ATVSTP cũng cho biết, dù đã nhận được báo cáo của Công ty New Choice Foods về việc thu hồi xong toàn bộ sản phẩm thạch Taro song trong thời gian tới, Cục sẽ thanh tra đối với báo cáo kết quả thu hồi này, công khai rộng rãi tới người tiêu dùng biết. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu Công ty New Choice Foods có kế hoạch cụ thể xử lý các sản phẩm đã thu hồi và 100kg chất phụ gia tạo đục chứa DEHP hiện đang niêm phong lưu giữ tại kho.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, các sản phẩm đã được xác định nhiễm DEHP tại Đài Loan không chỉ có thạch mà còn gồm: hạt trân châu của công ty Possmei; viên calcium và viên vitamin của tập đoàn Brand's; nước uống nhãn hiệu Fruit Hoause của Tập đoàn thực phẩm Heysong; nước uống thể thao Pro Sweat; nước uống măng tây của Tập đoàn Uni-President; bột Collagen của Công ty TaiYen; siro nho và dâu tây của Công ty Toàn Lâm; nước uống tăng lực của Công ty Duyệt Thị; nước uống Yes water của Công ty Taiwan Yes; bột thực phẩm dinh dưỡng Power-Lac của Công ty Cổ phần kỹ thuật sinh học Bách Thịnh (Bio Chain). |