Luôn nêu cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 15/02/2023

(HNM) - Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người vẽ cờ Giải phóng” nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tổ chức tại tỉnh Bến Tre, ngày 13-2. Ảnh: TTXVN

Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn

Năm 1933, đồng chí Huỳnh Tấn Phát thi đỗ vào Khoa kiến trúc khóa 8, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc năm 1938. Tháng 3-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Tháng 11-1947, sau khi ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.

Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp Khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, đồng chí trở thành nhà trí thức có uy tín lớn ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc đồng chí vượt qua những năm tháng gian khổ, đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, cũng như thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 6-1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Ngày 30-9-1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật...

Trung thành với lý tưởng đã chọn

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó với nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hóa lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm. Là kiến trúc sư nổi tiếng, đồng chí có nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu sang nhưng vượt lên trên hết, khi quyết định đi theo con đường cách mạng, chịu sức ép không nhỏ từ chính quyền thực dân. Đồng chí đã thể hiện một nhân cách lớn, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân.

Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến khi về cõi vĩnh hằng, đồng chí tuyệt đối trung thành với lý tưởng đã chọn, suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ; thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: Dân tộc độc lập, nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Ngày 14-2, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 - 15/2/2023), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí  tại Khu mộ đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; đại biểu nhân sĩ, trí thức; đại diện gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát...

Tuấn Minh