Kinh tế trang trại - Đường làm giàu chưa dễ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 09/06/2011

LTS: Tháng 1-2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 05/2008/QĐ-UBND về một số chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế trang trại (KTTT) với nhiều ưu đãi như thời gian sử dụng đất tối thiểu 20 năm, 100% kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật và được vay vốn tại Quỹ hỗ trợ của TP và các ngân hàng thương mại... Nhưng sau hơn 3 năm triển khai, mô hình kinh tế này vẫn loay hoay tìm hướng phát triển và gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc mà chưa có cách giải quyết.


Hiện các trang trại (TT) có quá nhiều khó khăn để phát triển bền vững như thiếu vốn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, môi trường không được kiểm soát tốt dẫn tới hoạt động kém hiệu quả, sản xuất cầm chừng. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển KTTT như chính sách thuế, tín dụng, đất đai, lao động, xúc tiến thương mại, tiêu thụ… nhưng phần lớn chính sách này không đến được với các TT. Hầu hết chủ TT "tự bơi" để trang bị tư liệu sản xuất, nguồn vốn và tự tìm đầu ra cho hàng hóa.

Đầu tư manh mún, chắp vá


Sau 3 năm triển khai, mô hình kinh tế trang trại vẫn chưa được định hình rõ nét.


Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP có 3.207 hộ, nhóm hộ phát triển sản xuất theo mô hình TT với 1.172 TT sản xuất, kinh doanh tổng hợp, 1.223 TT chăn nuôi, 603 TT thủy sản, 204 TT trồng trọt... Tổng diện tích sử dụng là 8.259ha. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch tổng thể phát triển KTTT cũng như chưa có định hướng cụ thể. Quy mô TT tại Hà Nội còn manh mún, bình quân một TT chỉ sử dụng 2,58ha và đầu tư sản xuất không bài bản nên hạn chế trong việc phát triển theo hướng bền vững. Theo ông Tạ Công Thực chủ TT vườn lan Thực Hà ở Đông La - Hoài Đức, thì so với tiêu chí, định lượng về quy mô sản xuất đối với TT trồng cây hằng năm phải từ 2ha trở lên là khó đạt được đối với những khu vực sản xuất nông nghiệp ven đô vì với tốc độ đô thị hóa đến "chóng mặt" như hiện nay, các diện tích đất nông nghiệp đã thu bị hẹp khá nhiều. Hiện nay, hầu như các TT đều mang tính tận dụng, dần dần mở rộng diện tích khi có đất mà không theo quy hoạch nào. Thực tế, sự phát triển của TT trên địa bàn TP thời gian qua là phụ thuộc vào khả năng của nông dân. Người nông dân có khả năng đến đâu thì đầu tư đến đó nên quy mô TT không đồng đều. Có TT 2-3 héc ta, nhưng cũng có TT diện tích vài chục héc ta, thậm chí quy mô cả trăm héc ta.

Điểm yếu thứ hai trong phát triển KTTT ở Hà Nội là các địa phương chưa xây dựng kế hoạch phát triển KTTT trên địa bàn nên khi hộ nông dân có điều kiện muốn phát triển mô hình này thì UBND xã lúng túng, khó tìm ra hướng để giải quyết. Sản phẩm tiêu thụ tại các TT chủ yếu ở dạng thô và 70-90% thông qua trung gian nên thường bị ép giá. Một điểm yếu nữa là đa số chủ trang trại có trình độ học vấn thấp, 95% chưa qua đào tạo nên thường lúng túng trước cơ chế thị trường, việc điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Điều này dẫn tới việc các chủ TT không định hướng được phát triển loại sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu của khách hàng nên bao nhiêu năm nay vẫn xảy ra hiện tượng "được mùa mất giá". Ông Dương Tôn Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, hiện trên địa bàn huyện có trên 200 TT, tuy nhiên đa số các TT vẫn làm ăn theo kiểu manh mún, không có định hướng rõ ràng. Các chủ TT chỉ có một số vốn ít và đất đai trong tay là kinh doanh, làm theo phong trào chứ năng lực quản lý còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ít được tiếp cận thông tin thị trường và tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, ở một số địa phương, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, gây khó khăn trong việc thu nhận, giải quyết hồ sơ đầu tư dự án TT, cấp giấy chứng nhận KTTT. Do đó, đến nay trên địa bàn TP chỉ có khoảng 1,4% số TT được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn việc cấp giấy chứng nhận TT đạt tiêu chí chỉ có ý nghĩa tượng trưng, chưa có tác dụng thế chấp khi cần vay vốn ở các tổ chức tín dụng.

Vốn - bài toán khó

Hiện nay, vốn đầu tư phát triển KTTT đang là bài toán khó. Các TT đều cần vốn đầu tư và ngân hàng là kênh hỗ trợ vốn quan trọng, nhưng vốn vay được giải quyết dựa vào tài sản thế chấp có giới hạn, mà hầu hết các TT đều không đáp ứng được yêu cầu này. Nguồn vốn của các chủ TT đều là vốn tự có, bình quân một TT là hơn 400 triệu đồng, trong đó vốn tự có chiếm khoảng 85-90%, số còn lại chủ yếu vay của các tổ chức tín dụng. Còn một số TT có nguồn vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng chủ yếu tập trung ở các TT chăn nuôi thủy sản có quy mô lớn hay TT có kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái.

Anh Nguyễn Văn Trắng, chủ TT chăn nuôi thủy sản ở Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, hiện tại để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng chuồng trại, cải tạo mặt bằng ao nuôi thủy sản, mua trang thiết bị phục vụ chăn nuôi… phải mất 300-400 triệu đồng, quá lớn với các TT. Do đó, các TT đã tìm đến ngân hàng để vay theo hình thức ưu đãi của nhà nước nhưng chẳng được bao nhiêu. Đối với Ngân hàng NN&PTNT, đa số các món vay phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ từ 50 đến 70 triệu đồng. Trong khi đó, giấy chứng nhận KTTT do chính quyền địa phương cấp lại không có giá trị pháp lý để thế chấp vay vốn.

Các chủ TT đều cho rằng, mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách về vay vốn nhưng thủ tục còn phức tạp, qua nhiều đầu mối trung gian nên không khuyến khích được các chủ TT vay vốn đầu tư cũng như tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Do đó, ngoài một số TT có quy mô lớn đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi, còn phần lớn các TT có quy mô nhỏ chưa được hưởng những ưu đãi của Nhà nước về đầu tư, tài chính, tín dụng... Thực tế cho thấy, với mặt hàng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, nếu được vay vốn từ các ngân hàng thương mại, thời gian vay ngắn thì hầu hết các TT đều không thể chạy đua với lãi suất trên 20%/năm của các ngân hàng thương mại như hiện nay. Hơn nữa, nhiều chủ TT "hộ khẩu một nơi, trại một nơi" nên theo quy chế của ngân hàng các chủ TT không được vay tiền ở nơi đang có TT, còn quay về nơi đăng ký hộ khẩu thì lại thuộc diện "chương trình thực hiện không nằm trên địa bàn" nên ngân hàng không duyệt phương án vay vốn, khiến chủ TT càng khó tiếp cận vốn.

Bạch Thanh - Quỳnh Dung