Ngọn gió ngầm dào dạt

Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 09/06/2011

(HNM) - Uông Thái Biểu, chàng trai xứ Nghệ sôi nổi và khoáng đạt, viết báo chuyên nghiệp và dè dặt chuyện văn chương. Đến khi tập thơ

Những tưởng, sau "Gió đồng", Biểu sẽ hà hơi tiếp theo cho thơ và tiếp tục với những thi phẩm mới. Nhưng không, Uông Thái Biểu đã dừng lại để mà lan tỏa. Năm 2011, anh cho ra mắt tập ghi chép - đối thoại - nhân vật "Mùa lữ hành" (NXB Trẻ).


Cuốn sách cuốn hút ngay từ những bài viết mở đầu. Uông Thái Biểu đưa người đọc vào thế giới ca trù, nơi Uy Viễn Tướng công từng xướng đôi dòng “thuyền quyên ứ hự…” Với cách xây dựng mạch văn độc đáo, lối viết sắc sảo, ngôn ngữ hào hoa, Biểu đã tôn vinh những nghệ nhân dân gian nuôi dưỡng ngọn lửa ca trù, bồi đắp dòng chảy di sản trong kho tàng văn hóa phi vật thể Việt. “Trong lam lũ bần hàn, câu hát không lấm bùn, vẫn trọn vẻ sang trọng, quý phái, dù thân phận người đàn, người hát từng trải bao tủi hờn, cơ cực…”. Giã biệt những kép đàn, đào nương làng Cổ Đạm, đất Nghi Xuân, Biểu dắt chúng ta về Kinh Bắc. Bên dòng sông Cầu thao thiết, nghe quan họ chảy từ trong máu mình. Rồi cùng anh về Hà thành nghe xẩm và chuyện về thân phận của những câu hát tháng năm dài luân lạc, giờ lại được tái sinh và làm đẹp hơn non nước đất kinh kỳ.

Không dừng lại ở đó, Uông Thái Biểu làm người dẫn đường, đưa người đọc khám phá nhiều vùng miền văn hóa. Một phiên chợ quê, một cảnh núi sông cẩm tú, một câu chuyện lạ trên đường và những di tích, danh thắng, những đền đài, miếu mạo, những di sản quý giá của dân tộc theo dòng chảy lịch sử mà trong đó không ít sự xâm thực, bào mòn bởi thời gian. Tôi rất thích bài tùy bút “Mùa lữ hành” của Biểu, bởi sự khắc họa thành công tâm thức đi của người Tây Nguyên. “Mùa gió, mùa đi. Những chuyến lữ hành không hẹn trước. Nhưng những người bạn núi của tôi đang đi trong tâm thức trở về”. Tìm được cái “vía” của mùa, Uông Thái Biểu đã làm bật lên cái quán tính di truyền trong máu của người Tây Nguyên là “đi”. Vừa hoang dã, vừa tha thiết, vừa đa tình, vừa bạo liệt.

Với giọng văn thiết tha, trầm lắng, Uông Thái Biểu đã chinh phục được bạn đọc theo chân anh suốt cuộc hành trình. Từ những bước chân khám phá của người lữ hành qua mọi miền đất nước, cho đến trở về chiêm nghiệm giữa phố xá Đà Lạt nơi anh có hai mươi năm lập nghiệp, lập thân. Ở đó có một góc quán cà phê khiêm nhường, một nẻo đường vắng, một buổi sáng cuối đông lặng lẽ ngắm màu hoa phượng tím thao thiết nở… Tất cả đi vào trang viết của Biểu, khuấy lên trong lòng người đọc nhiều nỗi niềm.

Ở phần hai của cuốn sách, một lần nữa Uông Thái Biểu cho ta thấy một cây bút tài hoa, sắc sảo trong những cuộc trò chuyện thú vị. Từ các nhà sử học nổi tiếng như Dương Trung Quốc, Hà Thúc Minh đến các nhà nghiên cứu văn hóa như Tô Ngọc Thanh, Phan Đăng Nhật, Inrasara rồi kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhạc sĩ Tô Vũ và rất nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tên tuổi khác. Là những bài phỏng vấn, đối thoại, nhưng với lối viết có chủ kiến rõ ràng, Uông Thái Biểu đã khẳng định là một nhà báo có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thánh Ngã