Doanh nghiệp mạnh tay tăng lương

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 09/06/2011

(HNM) - Thời gian gần đây, giá cả

Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để đối phó với"bão giá" để có thể vừa ổn định sản xuất, kinh doanh, lại vẫn giữ được bộ máy nhân sự tốt? Theo khảo sát, các doanh nghiệp hiện nay đang  giảm nhân sự không cần thiết, đồng thời tăng lương, thưởng cho nhân sự chất lượng cao.

Tăng lương cho cán bộ, nhân viên có năng lực là giải pháp hiệu quả để khuyến khích lao động. Trong ảnh: Điều chế dược phẩm tại Nhà máy dược Viễn Đông. Ảnh: Phương An


Thực tế rất nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách  thắt chặt chi tiêu, thu hẹp bộ máy nhân sự. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng việc làm. Người lao động bị tâm lý chán nản, lo lắng vì vị trí làm việc có thể lung lay bất cứ lúc nào. Lúc này, tư tưởng "nhảy việc" luôn thường trực trong mỗi người khiến năng suất lao động giảm sút. Và để giữ chân những lao động chủ chốt, những nhân sự cấp cao, một cuộc chạy đua về lương giữa các doanh nghiệp đang diễn ra.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Navigos Search - nhà cung cấp các giải pháp tuyển dụng nhân sự cao cấp hàng đầu tại Việt Nam về "Chiến lược nhân sự trong bối cảnh lạm phát", rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay  tăng lương cho nhân viên trong năm 2011. Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Điều hành Navigos Search cho biết, tỉ lệ tăng lương trung bình cho các cấp bậc có sự điều chỉnh đáng kể so với năm 2010. Cụ thể, đối với  nhân viên, 54% doanh nghiệp có tỉ lệ tăng lương trung bình là 11%-15% trong năm 2011. Đối với bậc chuyên viên, có tới 62% doanh nghiệp có tỉ lệ tăng lương trung bình 11%-15%. Đặc biệt, ở cấp quản lý, nếu năm 2010 chỉ có 17,6% trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã điều chỉnh tăng lương trên 15%, thì trong năm 2011 có đến 27% doanh nghiệp có mức điều chỉnh trên 15%.

Trước đây, các nhân viên có thành tích tốt mới được tăng lương. Nhưng ở thời điểm này, do lạm phát kéo theo nhiều bất lợi nên có tới 81% trong số những doanh nghiệp được khảo sát đã tăng lương cho nhân viên. Bên cạnh việc tăng ngân sách nhân sự, các doanh nghiệp cũng có nhiều chính sách khác để thu hút và  giữ nhân tài. 66,3% trong số những doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát tập trung vào cải thiện môi trường làm việc như là một yếu tố quan trọng nhất để thu hút và  giữ nhân tài. Khảo sát cũng cho thấy, điều chỉnh tăng lương cho các nhân sự chủ chốt và đầu tư vào việc phát triển nhân viên thông qua các chương trình đào tạo được xem là hai yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chiến lược nhân sự, chiếm 63,2% và 61,1% số công ty tham gia trả lời khảo sát.

Rõ ràng, đã có sự thay đổi lớn trong chiến lược quản lý nhân sự trong thời lạm phát. Trước đây, hầu hết doanh nghiệp cắt giảm nhân sự bằng "chiêu" cắt các khoản thưởng, đãi ngộ theo định kỳ hằng năm, không tuyển dụng mới, một nhân viên kiêm  nhiều nhiệm vụ… Nay, mọi thứ đã đổi chiều khi hầu hết doanh nghiệp lại áp dụng "chiêu" tăng lương để động viên tinh thần làm việc của người lao động.

PGS.TS Lê Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị EduViet cho rằng, các doanh nghiệp nên tính đến chuyện tái cơ cấu nguồn nhân lực. Hai doanh nghiệp lớn là Công ty Lilama3 và Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã thực sự thành công nhờ phương pháp tái cơ cấu này. Trong lúc khó khăn, họ đã không trả lương theo kiểu cào bằng mà trả lương cao cho  cán bộ, nhân viên ở vị trí then chốt, có năng lực. Công ty Lasuco đã áp dụng đồng bộ cả việc sáp nhập lẫn thành lập mới các chức năng, phòng ban để phát triển các năng lực mới theo yêu cầu chiến lược kinh doanh. Công ty Lilama3, đã đánh giá lại năng lực cán bộ, nhân viên, sắp xếp lại bộ máy nhân lực và tinh giảm biên chế nhằm nâng cao năng suất lao động lên khoảng 20%.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2011, đã có thêm 4% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới (gần 39.000 doanh nghiệp). Theo  các chuyên gia, với số doanh nghiệp tăng nhanh chắc chắn nhân sự cao cấp, nhân sự có kinh nghiệm làm việc vẫn được săn đón, mời chào. Vì vậy, tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động là cách làm có hiệu quả.

Kim Vũ