Gắn khoa học với thực tiễn

Giáo dục - Ngày đăng : 06:31, 08/06/2011

(HNM) - Lan tỏa tới từng khoa,


Thực hiện chủ trương đổi mới GD-ĐT, đưa nhà trường hòa nhập vào hệ thống các trường ĐH quốc gia, chất lượng các hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và NCKH của Học viện đã có những tiến bộ rõ rệt. Trong 5 năm (2006-2010), Học viện đã hoàn thành 594 đề tài khoa học và sáng kiến cải tiến các cấp, đạt 94,58% so với kế hoạch; trong đó có 576 đề tài, sáng kiến đạt khá trở lên, chiếm 97%. Các đề tài khoa học đã tập trung giải quyết những vấn đề lớn của bộ, của ngành trên các lĩnh vực nghệ thuật quân sự, xây dựng LLVT và nghiên cứu tổng kết chiến tranh, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, nghiên cứu bảo đảm hậu cần, CNTT và CNSH. Cũng trong giai đoạn 2006-2010, Học viện Hậu cần còn biên soạn mới, nâng cấp 629 giáo trình tài liệu, chuyên đề, bài tập, đạt 95,7% kế hoạch. Hệ thống giáo trình, tài liệu do Học viện biên soạn không chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo trong Học viện mà còn phục vụ cho huấn luyện chuyên ngành của các nhà trường quân đội và công tác tập huấn cán bộ Hậu cần toàn quân của Tổng cục Hậu cần, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Phần lớn các NCKH của Học viện đều có giá trị thực tiễn đã được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và giải quyết một số yêu cầu của ngành hậu cần quân đội. Đó là công trình NCKH: "Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các loại nấm tại Khu kinh tế - quốc phòng Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh"; "Xây dựng Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học" có khả năng phục vụ sản xuất, nghiên cứu các đề tài khoa học cấp bộ, ngành... Những đề tài khoa học giá trị đã mang lại thương hiệu riêng cho Học viện Hậu cần, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hậu cần quân đội.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Văn Miểu, Phó Giám đốc Học viện Hậu cần cho biết: "Thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Học viện Hậu cần là nhờ luôn coi trọng những kinh nghiệm từ thực tiễn huấn luyện, chiến đấu, bảo đảm hậu cần của các đơn vị ở khắp các chiến trường. Bên cạnh đó là nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc lý luận và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần của các nước anh em để vận dụng vào nội dung giảng dạy ở Học viện và nghiên cứu khoa học".

Từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (tháng 5-1951) đến nay, Học viện Hậu cần đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự có uy tín của quân đội, đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn đa ngành, đa cấp, từ trung học kỹ thuật đến tiến sĩ. Học viện Hậu cần hiện có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tương đối hoàn chỉnh: 100% số giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ ĐH trở lên; 62,68% số giảng viên có trình độ sau ĐH, trong đó 15% là tiến sĩ, 4 giáo sư và 15 phó giáo sư. 60 năm qua, Học viện đã đào tạo trên 45.000 cán bộ hậu cần cho quân đội, ngoài ra còn đào tạo cán bộ hậu cần cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Hiền Phương