Tạo điều kiện nhưng cần “quản” chặt!
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 07/06/2011
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát các CCMN do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng đã bán hoặc cho thuê. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới nhận được khá nhiều ý kiến từ bạn đọc…
Một chung cư mini mới hoàn thiện. |
Ông Ngô Doãn Đức (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Khoanh vùng khu vực được phép xây chung cư mini
Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng CCMN trên địa bàn Hà Nội phát triển khá nhanh, song vẫn mang tính chất manh mún và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Các CCMN hầu hết tập trung ở các quận nội thành, dẫn đến hậu quả nhãn tiền mà Hà Nội đã và đang phải gánh chịu là hạ tầng quá tải, chắp vá, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính cư dân CCMN và người dân khu vực. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng các căn hộ chủ yếu do tư nhân tiến hành, nên không bảo đảm an toàn sử dụng và xuống cấp nhanh. Những công trình này đang phá vỡ quy hoạch đô thị vì xây dựng tùy tiện, kiến trúc lộn xộn do tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng và thiếu tính chuyên nghiệp... Giải pháp cho các vấn đề này là phải kiểm soát chặt chẽ từ việc cấp giấy phép xây dựng, tăng cường quản lý giám sát trong quá trình xây dựng, khoanh vùng những khu vực được phép xây CCMN, những vùng phải hạn chế…
Ông Nguyễn Văn Hòa (phường Kim Liên, quận Đống Đa): Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp...
Mặc dù có nhiều dự án xây dựng nhà ở: chung cư, khu đô thị, khu nhà cho người thu nhập thấp… nhưng nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày một tăng tại Hà Nội. Phần lớn các nguồn cung bất động sản chỉ những người có thu nhập cao mới "kham" nổi. Do vậy, các căn hộ CCMN được nhiều người lựa chọn vì giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền người thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Người mua có thể mua được những căn hộ ở gần trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc đi lại. Việc phát triển CCMN cũng góp phần làm tăng nguồn cung về nhà ở khi sự chênh lệch cung - cầu thị trường này đang ngày càng lớn và quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp. Nếu chủ đầu tư tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Xây dựng đề ra, thì CCMN sẽ đứng vững trong thị trường bất động sản và còn giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp nhà ở cho một bộ phận người dân.
Bà Phạm Minh Tâm (Công ty Luật Triệu Dũng và cộng sự): Căn hộ CCMN được pháp luật công nhận quyền sở hữu
Theo Nghị định 71/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ, CCMN là loại hình nhà ở do các cá nhân, hộ gia đình xây dựng để bán, cho thuê. Khi xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư phải nói rõ mục đích chia thành nhiều căn hộ để bán và bảo đảm các yếu tố như: tiêu chuẩn xây dựng chung cư cao tầng, quy hoạch, hạ tầng, quy mô dân số của khu vực, đồng thời khi xây dựng phải nộp thuế, các lệ phí kinh doanh… Người mua căn hộ CCMN sẽ được pháp luật công nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định để "né" phí, thuế… Chính vì vậy, nhiều người mua căn hộ CCMN chỉ có giấy mua bán nhà viết tay và quyền thế chấp ngân hàng vẫn thuộc chủ đầu tư. Người mua bỏ tiền tỷ mà chỉ được "nắm dao đằng lưỡi", chịu rất nhiều bất lợi.
Ông Nguyễn Tiến Thanh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy): Tạo điều kiện phát triển, nhưng cần "quản" chặt hơn
Từ khi Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71/CP có hiệu lực, cho phép tư nhân phát triển CCMN và giao dịch mua bán không qua sàn, loại hình nhà ở này phát triển khá mạnh. Thời gian thi công ngắn, giá tiền hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của những người có thu nhập hạn hẹp, các gia đình trẻ, người ngoại tỉnh, nên các căn hộ CCMN được "săn đón" nhiều. Hiện nay, nhu cầu nhà ở tại Hà Nội vẫn đang rất cao, nguồn cung chưa thể đáp ứng. Mô hình CCMN ra đời vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở, vừa tiết kiệm quỹ đất tại đô thị; giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, trung bình, những người làm công ăn lương, bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Việc có thêm nguồn cung này còn góp phần làm giảm nhiệt "cơn sốt" nhà đất. Song bên cạnh việc tạo cơ sở pháp lý, điều kiện để mô hình CCMN phát triển, các ban, ngành chức năng cũng cần có biện pháp "quản" thật chặt, từ khâu cấp phép, quy hoạch đến tiêu chuẩn, chất lượng xây dựng; bảo đảm tính pháp lý cho người mua.