Sàng lọc và thử thách cán bộ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 07/06/2011
Suy cho cùng, không chỉ trong việc tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, mà bất kể trong lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào cũng cần cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu . Trong một bài báo khác, cũng về công tác cán bộ, tác giả N.V.L viết : "Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc, mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong?".
Những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn xác định, công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp trong từng giai đoạn cụ thể. Trên thực tế, không riêng ở Hà Nội mà với các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ của chúng ta luôn hùng hậu về số lượng, song chưa tạo ra được hiệu quả tương ứng. Nói cách khác là đội ngũ cán bộ đông về số lượng nhưng chưa mạnh về chất lượng. Có những cơ sở không thiếu cán bộ (về số lượng) nhưng khi có công việc thì đắn đo, trăn trở không tìm ra người phù hợp. Trong khi đó, vào dịp bình xét hằng năm hay những đợt khảo sát cụ thể về công tác cán bộ thì rất hiếm thấy những trường hợp không đủ năng lực chuyên môn, còn thành tích thì luôn được thổi phồng qua tự nhận xét hoặc liệt kê thành tích... Đại loại là vậy. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng trên mà một trong những nguyên nhân đó như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị là nhiều cán bộ hiện nay lời nói chưa đi đôi với việc làm. Khi cán bộ yếu kém về năng lực, nói nhiều hơn làm thì khó có thể trở thành đầu tàu tập hợp sức mạnh của đảng viên, quần chúng. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lại được sắp xếp chưa đúng chỗ nên chưa phát huy được sở trường, khắc phục những tồn tại. Một số cán bộ khác thì "an phận thủ thường", bằng lòng với hiện tại, sống "dĩ hòa vi quý", thiếu năng động và sức chiến đấu. Rồi tình trạng "tre" già nhưng "măng" chưa có chỗ, nhiều người đưa vào diện quy hoạch cả chục năm vẫn chưa thể phân công vào vị trí nào...
Từ năm 2009, Hà Nội đã quyết tâm tạo bước đột phá trong công tác cán bộ bằng chính sách luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua 2 năm thực hiện, 82% cán bộ thuộc diện luân chuyển được đánh giá phát triển tốt. Đó là kết quả khả quan khẳng định một chủ trương đúng. Song điều quan trọng hơn là nhiều việc khó cùng một số bất cập, tồn tại ở cơ sở, ở các ngành đã được giải quyết hiệu quả. Lòng tin của đảng viên, quần chúng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp được củng cố. Những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố được triển khai sâu rộng, sáng tạo ở cơ sở.... Bản thân những cán bộ được luân chuyển có dịp rèn luyện, thử sức và thể hiện khả năng ở nhiều môi trường, vị trí công tác, đặc biệt là kỹ năng xử lý những vấn đề, tình huống cụ thể... Mặt khác, việc luân chuyển cán bộ vừa giúp các cơ sở, cấp ngành kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo đồng thời sàng lọc lại năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu... của từng con người cụ thể để có những sắp xếp phù hợp, tránh tình trạng "ngồi" nhầm chỗ, "đặt" nhầm chỗ hoặc "vươn lên" không phải bằng khả năng của chính mình...
Tóm lại, như đánh giá của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, công tác cán bộ chính là cái gốc quyết định hiệu quả của từng công việc cụ thể, việc luân chuyển cán bộ thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố. Vì vậy, đây phải là công việc thực hiện thường xuyên, có chiến lược, tầm nhìn và hoạch định để đáp ứng với yêu cầu thực tế của sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô và đất nước.