Đầu vào tăng, đầu ra phải tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 07/06/2011

(HNM) - Giá thịt lợn tại các chợ tăng cao không chỉ làm đau đầu các bà nội trợ. Theo Bộ NN&PTNT giá thịt lợn tăng trong thời gian này là do các chi phí đầu vào, không phải do khan hiếm nguồn nguyên liệu.


Giá bán lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi đang dao động ở mức từ 60.000 đến 61.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 62.000 đồng/kg; tăng 25-30% so với Tết Nguyên đán. Mặc dù cân đối cung cầu tiêu dùng thịt trong nước không thiếu nhưng giá lợn ở các nơi vẫn cao do chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng, cộng với những đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện... Trên địa bàn Hà Nội, thịt nạc vai có giá 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ từ 95.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg, thịt thăn 130.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg đến 105.000 đồng/kg... Theo các tiểu thương, giá thịt lợn tăng là do trong những ngày gần đây nguồn cung mặt hàng này có lúc khan, cộng với các chi phí vận chuyển tăng hơn trước.


Mua tht ln ti mt quy hàng ch Bưởi. nh: Đàm Duy


Chị Bùi Thị Bích Thủy, ở Văn Quán (Hà Đông) cho biết, khoảng một tháng nay, giá thịt lợn tại khu chợ gần nhà tăng phổ biến từ 10.000-20.000 đồng/kg so với trước, đây là một trong những đợt tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm. Các thương lái nói rằng do nguồn lợn hơi khan hiếm, nhưng thịt lợn vẫn bày bán rất nhiều, có hôm nắng nóng, sức mua giảm thịt vẫn "ế" nhưng giá cứ tăng vùn vụt. Thịt lợn tăng, giá giò, chả cũng tăng theo; khiến nhiều người tiêu dùng phải thay đổi thực phẩm trong bữa ăn gia đình mình.

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Kim Giao, do dịch bệnh nên hiện nay tổng đàn lợn trên cả nước giảm 4% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng lượng thịt lại tăng 2,2% do chất lượng chăn nuôi được nâng lên. Nguyên nhân giá thịt lợn tăng là do chi phí đầu vào tăng 30-40%, có lúc đến 50%. Đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng, chứ không phải nguồn cung cấp thiếu mà giá tăng. Một số nơi vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, nên có những chỗ đàn lợn rất nhiều nhưng không vận chuyển đi tiêu thụ, dẫn tới hiện tượng thiếu cục bộ, khiến người dân tưởng là thiếu thịt.

Ông Trần Cao Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian tới, giá thịt lợn trên thị trường sẽ hạ nhiệt bởi chăn nuôi lợn đã bắt đầu có lãi. Hiện tại, dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được khống chế, nếu có xảy ra đều được dập tắt kịp thời, nên không lây lan rộng như trước. Trong khi đó, nuôi lợn chỉ mất khoảng 3-4 tháng là có thể xuất chuồng, mặc dù chi phí đầu vào đều tăng nhưng hiện giá lợn hơi cũng khá cao nên người nuôi đã có lãi; đây là thời điểm thuận lợi để nông dân tái đàn. Do đó, nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân từ nay đến cuối năm sẽ được đáp ứng đủ, việc nhập khẩu thịt lợn sẽ rất hạn chế. Bộ Công thương cũng khẳng định chưa hề đề xuất với Chính phủ cho nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn như một số thông tin đã đưa. Vì vậy, người dân có thể yên tâm tập trung vào chăn nuôi.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1,54 triệu con lợn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù tổng đàn giảm nhưng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 5 tháng đầu năm tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của sở, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã khiến không ít hộ chăn nuôi giảm số lượng hoặc "treo" chuồng, nhưng đa số các hộ này đều là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô ít, không có vốn. Còn hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn vẫn tiếp tục đầu tư bởi họ đã có lãi, dù ít hay nhiều. Hơn nữa, trong vài tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội cơ bản được khống chế nên nguồn cung thịt lợn vẫn tương đối ổn định, không khan hiếm.

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh