Mất lợi thế vì cạnh tranh không lành mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 06/06/2011
Thông tin thiếu, xúc tiến thương mại kém
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2011, các DN xuất khẩu được 526.000 tấn thủy sản, mang về 2,1 tỷ USD, tăng 10,43% về lượng và 29,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, bởi đang tồn tại rất nhiều bất cập trong xuất khẩu thủy sản. Trong đó điển hình là mất cân đối cung cầu nguyên liệu, dẫn tới việc thiếu nguyên liệu cho chế biến; thị trường giá cả cạnh tranh không lành mạnh; đầu tư của Nhà nước nhất là cơ sở hạ tầng ở các khu nuôi trồng thủy sản còn thấp, không đáp ứng được với tốc độ phát triển; thuế chống bán phá giá liên tục bị các nước nhập khẩu áp dụng đối với các DN xuất khẩu…
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết, hiện tại xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn còn quá nhiều lỗ hổng dẫn tới sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng nhưng không bền vững. Vấn đề thông tin, quáng bá xúc tiến thương mại của ngành cũng như của các DN còn nhiều yếu kém nên rất nhiều thị trường đã lợi dụng việc này bôi nhọ thông tin về sản phẩm của chúng ta. Cụ thể như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam hoặc "chiến dịch" tung tin bôi nhọ cá tra Việt Nam trên các phương tiện truyền thông ở nhiều nước; việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại 6 nước châu Âu đưa con cá tra vào "danh sách đỏ" trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 - 2011 làm giảm giá trị kinh tế xuất khẩu của Việt Nam. Việc này đã hạ uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Một vấn đề lớn như vậy nhưng rất ít nông dân nắm được thông tin. Điều đó cho thấy cách thông tin tuyên truyền của ta không chuyên nghiệp chỉ dừng lại ở việc phổ biến cho các nhà lãnh đạo và DN còn người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu thì hầu hết "mù tịt" về thông tin thị trường cũng như rào cản của nước nhập khẩu dựng lên. Khi xuất khẩu, một số DN đã cạnh tranh bằng giá rẻ, điều này không nâng được giá trị mà còn tác động ngược lại, bởi vô hình trung đã kéo giá tất cả các mặt hàng đi xuống và phá hỏng thị trường tiêu thụ...
Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, hiện nay ta phần lớn chỉ xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu và sơ chế, chưa có sản phẩm thủy sản mang thương hiệu mạnh Việt Nam nên hiệu quả kinh tế không cao. Quản lý theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo như tình trạng tôm bị bơm chích tạp chất, nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh dẫn đến việc một số thị trường nhập khẩu tăng cường các biện pháp kiểm soát. Chẳng hạn sự kiện con tôm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bị quốc gia này tăng cường kiểm soát lên 100% đối với tôm Việt Nam vào cuối năm 2010. Tương tự như con tôm, xuất khẩu cá tra cũng khó khăn. Nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm giá bán, hạ chất lượng; các chương trình quảng bá hình ảnh con cá tra đến người tiêu dùng thế giới chưa đủ mạnh dẫn đến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin không chính xác.
Đổi mới cách tiếp cận thị trường
Các chuyên gia kinh tế thủy sản Bộ NN&PTNT cho rằng, việc quan trọng nhất đối với xuất khẩu thủy sản hiện nay phải đổi mới cách tiếp cận thị trường. Xây dựng hình ảnh thủy sản Việt Nam bằng các hình thức xúc tiến thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa. Trước mắt, tập trung cho chương trình phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu quốc gia tiến tới xây dựng cho các sản phẩm khác như cá tra, tôm sú, cá ngừ, nghêu… Xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm bằng nhiều hình thức liên kết với nhà phân phối lớn, các hệ thống siêu thị và tổ chức cung ứng thực phẩm ở các thị trường lớn. Nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm chính sách phát triển thương mại ở các cấp quản lý và DN. Các hội và tổ chức cộng đồng tăng cường xây dựng năng lực và cơ chế phối hợp để chủ động theo dõi diễn biến tình hình các thị trường, chủ động đối phó và đấu tranh với những tranh chấp, rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để khắc phục những hạn chế mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang vướng phải, các DN cũng như đơn vị của ngành cần phải đổi mới cách quảng bá xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu sản phẩm; định hướng rõ thị trường xuất khẩu nào là chủ lực. 100% DN chế biến thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về truy xuất nguồn gốc; xây dựng các mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ, qua đó để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ có chế tài xử lý nặng để răn đe đối với hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng, các hành động phá giá thị trường làm mất uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.