Trần Huyền Trân với nghệ thuật chèo
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 06/06/2011
Đó là nhận xét của các học trò, của đồng nghiệp lớp sau về người thầy, người đạo diễn tài hoa, mẫu mực Trần Huyền Trân tại hội thảo khoa học "Trần Huyền Trân với nghệ thuật chèo" do Viện Sân khấu Điện ảnh và Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức ngày 2-6.
Người nghệ sĩ đa tài
Người yêu nghệ thuật chèo đương thời hầu như mới biết Trần Huyền Trân là tác giả, đạo diễn của những vở chèo nức tiếng như "Con trâu hai nhà", "Tú Uyên Giáng Kiều", "Những cô thợ dệt"... nhưng thực ra ông còn là một nhà thơ, tác giả của nhiều vở kịch thơ nổi tiếng. Như NSƯT Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: "Những vần thơ của ông đi vào chèo ngọt một cách lạ thường". Nhờ tài hoa này mà những vở chèo truyền thống với khuôn mẫu nhân vật đã "đóng đinh" trong lòng công chúng bỗng hóa thành thơ, mềm mại, diệu kỳ mà không hề làm thay đổi tính cách, tâm trạng của nhân vật.
Trích đoạn “Quan Âm Thị Kính” - vở chèo mang đậm dấu ấn của nghệ sỹ Trần Huyền Trân. |
Theo lời kể của NSƯT Trần Quốc Chiêm, khi được giao nhiệm vụ "cải biên" vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", Trần Huyền Trân đã mang "tâm trạng của người thơ phổ vào tâm trạng nhân vật Tiểu Kính để rồi kéo theo cả hành động kịch "bỏ áo nâu sồng mặc áo hồng ngày cưới ra đi"... Những chi tiết như thế chỉ có Trần Huyền Trân mới nghĩ ra và cũng chỉ có Trần Huyền Trân mới dám làm. Khi mang ra trình diễn, "Quan Âm Thị Kính" cải biên được công chúng nhiệt tình đón nhận đã phần nào khẳng định tài năng của Trần Huyền Trân.
Không phụ thuộc vào những kịch bản có sẵn để "chỉnh lý", Trần Huyền Trân còn sáng tác vở chèo mới "Tú Uyên Giáng Kiều" dựa trên cốt truyện dân gian và cũng được công chúng nhiệt tình đón nhận. Những câu thơ trong vở chèo này như "Nào em xuống với tình ai. Cảm ơn gió trúc mưa mai đợi chờ. Anh đã mơ em từ Ngân Hà vời vợi. Chở thuyền tình xuống với tài hoa" hiện vẫn được dân gian truyền miệng để ru con. Ngoài ra, vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa" do ông dàn dựng vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước đã "đi cùng đoàn văn công Hà Nội suốt 4 năm liền, có tháng biểu diễn hơn 30 buổi, diễn cả sáng, cả chiều, có những đêm biểu diễn cùng tiếng còi báo động phòng không tránh máy bay Mỹ"- nghệ sĩ Hạc Đính kể lại.
Hết mình với chiếu chèo Thủ đô
Trần Huyền Trân đến với nghệ thuật chèo khi hòa bình lập lại (1954). Ông cùng với nhà viết kịch Lộng Chương, nhà thơ Lưu Quang Thuận và họa sĩ Nguyễn Đình Hàm sáng lập Đoàn chèo Cổ Phong. Sau sáu tháng hoạt động với việc cải biên và đưa lên sân khấu thành công nhiều vở chèo truyền thống như "Quan Âm Thị Kính", "Trương Viên", "Súy Vân giả dại"... Đoàn chèo Cổ Phong được Sở Văn hóa Hà Tây tiếp nhận, trở thành Đoàn Chèo Hà Tây và Trần Huyền Trân chuyển công tác về Sở Văn hóa Hà Nội. Ông được giao làm Trưởng đoàn Kịch nói Hà Nội rồi làm chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Chèo Hà Nội. Ở vị trí này, một lần nữa ông bỏ công viết lại tích cổ "Quan Âm Thị Kính" thành "Thị Kính". Tiếp đó, ông cùng đồng nghiệp viết "Những cô thợ dệt" và vở chèo này đã giành HCB Hội diễn Sân khấu chống Mỹ 1970... Hơn thế, ông còn có công đào tạo thành công một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tài năng cho Đoàn chèo Hà Nội như Hoa Tâm, Thanh Trầm, Quý Đôn, Mạnh Thường, Xuân Quân, Duy Hậu, Xuân Chính...
Như vậy, từ Đoàn Chèo Cổ Phong đến Chèo Hà Nội, Trần Huyền Trân đã viết, dàn dựng rất nhiều vở chèo, mỗi vở một vẻ đẹp khác nhau, giá trị nghệ thuật khác nhau nhưng đều có điểm chung là hấp dẫn trên sân khấu, được người xem ngưỡng mộ.