Nhảy đầm ở Hà thành (tiếp theo)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 05/06/2011

(HNM) - Khiêu vũ (nhảy đầm, dancing) là văn hóa châu Âu theo chân binh lính Pháp sang Việt Nam. Hơn 30 năm kể từ khi người Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội năm 1883, khiêu vũ mới có chỗ đứng ở mảnh đất này. Khiêu vũ ở Hà Nội cũng thăng trầm song cho đến nay, đây là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của không ít người...

Khiêu vũ ngày nay đã trở thành thứ văn hóa bình dân.


Tuy nhiên, khiêu vũ công cộng lại xuất hiện vào đêm cuối tuần. Người ta cho dựng sàn nhảy trên mặt Hồ Tây, chơi nhạc sống và đến đây giờ chỉ còn thanh niên sôi nổi. Trước cửa Bưu điện thành phố, sân khấu ngoài trời ở Công viên Thống Nhất cũng diễn ra khiêu vũ, đánh nhạc không công là những "tay chơi" Hà Nội. Không khí thật sống động khi hàng trăm người cũng say sưa với điệu tango. Nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh từ năm 1958 và đến 1960 thì cơ bản hoàn thành, sau thời gian này, không ai ra nơi công cộng khiêu vũ nữa. Nhớ lại thời kỳ đó, bà Hậu ở phố Hàng Gai kể: "Tôi xếp những chiếc váy vào đáy va li và cất kỹ trên gác, biết đâu có ngày lại mặc".

Khiêu vũ là một phần quan trọng trong văn hóa châu Âu nên khi chiêu đãi khách quốc tế, Bộ Ngoại giao không thể không tổ chức khiêu vũ. Sứ quán các nước ở châu lục này mở tiệc kỷ niệm quốc khánh cũng tổ chức khiêu vũ và một trong số khách được mời có Trương Văn Hiếu. Tốt nghiệp khóa II Trường Cao đẳng thể dục Phan Thiết năm 1943, chưa nhận công việc, hằng đêm, Hiếu theo một người bạn chơi acoocdeon ở một quán bar; thấy các vũ công người Philippin nhảy quá hấp dẫn, anh về nhà mở nhạc tự tập. Nhờ có tai thẩm âm tốt, lại có năng khiếu nên Hiếu trở nên nổi tiếng. Dù làm việc ở Lào Cai nhưng cuối tuần Hiếu lại nhảy tàu về Hà Nội nhảy một đêm cho đã. Hiếu dìu các cô điệu valse Viên thì thôi rồi.

Khi phong trào khiêu vũ sống lại ở Hà Nội vào năm 1983, bà Hậu nói: "Tôi rất vui và lục va li lấy những chiếc váy của một thời, chúng vẫn còn tốt nguyên. Dù có tuổi nhưng tôi trở thành tâm điểm của sự chú ý ở sàn 23 phố Quang Trung. Còn ông Hiếu trở thành vũ sư, dù từ chối nhiều nơi mời nhưng một ngày ông dạy tới 3 lớp với hàng trăm học viên. Người ta thích học ông Hiếu không chỉ vì ông nhảy đẹp, biết thị phạm mà còn rất tận tình. Không những thế ông còn dạy cho học viên biết ứng xử lịch lãm trên sàn, biết gìn giữ hạnh phúc gia đình. Người muốn học quá đông trong khi câu lạc bộ 23 Quang Trung lại quá chật nên người ta mở thêm lớp ở Nhà văn hóa thành phố (88 phố Hàng Buồm), nơi này cũng là sàn nhảy đông đúc trong suốt một thời gian. Tiếp đó hàng loạt các sàn nhảy ra đời như: Nhà khách Trung ương Đoàn (15 phố Hồ Xuân Hương), Chí Linh (nằm trong Sở Thương mại), Thư viện Quốc gia (phố Tràng Thi)... Năm 1988, một người đã bỏ ra 300 cây vàng xây dựng sàn nhảy Place dành cho tầng lớp giàu có ở Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm (42 phố Nhà Chung). Sàn được thiết kế hiện đại, chơi nhạc sống là ban nhạc Sông Hồng trong đó có Huy "móm" ( sau này lấy ca sĩ Thu Phương), Phương "mù". Quầy bar của Place bán những thứ hồi đó còn rất hiếm như: Coca Cola, bia lon nhập, thuốc lá 555, Dunhill... Buổi tối, chỗ gửi xe rất ít xe đạp và nếu có là xe Peugeot, Mifa còn lại là xe máy Peugeot, CD 50, CD 90 hay các loại xe Honda Cup. Vé vào cửa là 50.000 đồng ( giá vàng thời điểm này là 200.000 đồng/chỉ). Tuy nhiên công việc kinh doanh không được suôn sẻ. Place đóng cửa năm 1995, sau đó một chủ khác thuê mở lại vào năm 2000, nhưng 1 năm sau thì đóng cửa.

Khiêu vũ Hà Nội có sự thay đổi khi lớp trẻ thích những điệu nhảy mạnh mẽ hơn và không bó hẹp trong các điệu valse, tango, chachacha, rumba... và Queen Bee (cạnh Seaprodex, phố Láng Hạ) ra đời vào năm 1996 đã đáp ứng nhu cầu này. Đây là sàn nhảy disco vì thế chỉ có thanh niên, không có trung niên và người cao tuổi. Âm nhạc sôi động đã đưa hàng trăm thanh niên vào ma trận, họ ngoáy, lắc như để giải thoát bức bối bản thân. Cũng ở đây bắt đầu xuất hiện vũ nữ mà gọi một cách dân dã, không miệt thị là gái nhảy, khách phải trả 50 USD/giờ nếu nói chuyện hay nhảy cùng. Tất nhiên gái nhảy không được hưởng cả mà phải chia chác với người quản lý gọi là "má mì". Chuyện khó tin nhưng có thật là nhiều người cho vợ, cho người yêu làm gái nhảy. Mô hình này được nhân ra ở Khách sạn Royal (phố Hàng Tre), Khách sạn Hà Nội (Giảng Võ) và ở phố Nguyễn Du. Từng xảy ra chuyện dân anh chị cấm gái nhảy không được "làm ăn" ở Khách sạn Hà Nội, nếu cố tình sẽ bị "xử lý" và cuối cùng chủ sàn Khách sạn Hà Nội phải thương lượng mới ổn thỏa. Khách sạn Hà Nội vốn có nhiều khách nước ngoài, nghệ sĩ violon kiêm ca sĩ có giọng hát thuộc hàng độc Tô Lịch chuyên chơi nhạc ở đây lúc còn sống kể rằng, nhiều gái nhảy năn nỉ anh dạy cho bài hát bằng tiếng Trung để hát cho khách nghe khi rượu đã phê phê.

Năm 1999, vũ trường New Century khai trương ở 10 phố Tràng Thi với quy mô lớn hơn nhiều so với Royal, Queen Bee nhưng chỉ có một cửa ra vào duy nhất. Đầu tư vũ trường này là doanh nghiệp nhưng người ta chỉ biết chủ của nó tên là Nguyễn Đại Dương, người được dư luận mô tả: "Có xe Hummer gần như đầu tiên ở Hà Nội, sau này là chủ chiếc MayBach trị giá triệu đô cho khỏi đụng hàng". New Century không chơi nhạc sống mà sử dụng DJ. Ngay từ khi mở ra, nó đã hút đủ các loại khách. Khán phòng hàng trăm người uốn éo chuyển động theo tiếng nhạc chói tai và tuyệt nhiên không có nhạc Việt Nam. Rượu, bia như suối, đám bảo vệ soi mói, các cô gái nhảy mặt trắng lốp đưa mắt tìm khách. Cứ như thế cho đến ngày 28-4-2007 vũ trường này bị công an đột kích vì không chỉ chuyện sử dụng ma túy. Cũng thời gian này có Apocalypse ở phố Hòa Mã, vừa là bar vừa nhảy, khách chủ yếu là Tây ba lô và số ít sinh viên đang học tiếng Anh. Apocalypse có Tây ba lô lén lút bán cần sa cho khách.

Và hiện nay
Theo thống kê khu vực nội thành Hà Nội hiện có khoảng 20 sàn nhảy. Chủ sàn phần lớn là những người từng đi nhảy đầu tư và họ nhằm vào đối tượng khách rõ ràng. Sàn Lý Nam Đế, Nhà văn hóa Thanh niên, chợ Hôm, Cung Văn hóa Hữu nghị... chủ yếu là chơi các điệu cổ điển để thu hút người trung niên và cao tuổi. Sàn Lương Định Của chuyên disco để thu hút thanh niên.

Không chỉ mở buổi tối, rất nhiều sàn mở cả sáng và chiều. Khách chủ yếu là nguời độ tuổi hưu lên sàn nhảy cho vui và khỏe người. Nhiều sàn không bán vé vào cửa, thay vào đó họ tính tăng tiền nước, không uống cũng phải mua. Trước tình trạng nữ nhiều hơn nam, một số sàn thuê thanh niên biết khiêu vũ làm "trai nhảy" để dìu các bà, các cô. Mỗi lần dìu, "trai nhảy" được các bà các cô "bo" tùy tâm nhưng ít nhất là 20.000 đồng. Có bà chỉ chọn một thanh niên rồi sắm sanh quần áo tử tế và trả lương tháng. Và câu chuyện "phi công trẻ lái máy bay bà già" từ đây mà ra. Vũ sư bây giờ không còn có những người như ông Hiếu, phần lớn là người học khóa trước dạy khóa sau.

Khiêu vũ bây giờ khác xa ngày xưa, sàn nhảy không còn là riêng của những người tầng lớp khá giả hay những người thích các hoạt động văn hóa một thời. Khiêu vũ trở thành thứ văn hóa bình dân đến mức trước khi ra chợ cóc mua rau, không ít các bà, các cô tranh thủ tạt vào sàn nhảy vài điệu cho dẻo chân. Lại có người đến sàn cốt để khoe bộ đầm mới hay tìm kiếm thứ gì đó họ đang thiếu. Người lên đồng trên sàn ngày càng ít. Song nói gì thì nói khiêu vũ thời nay là cách xả streess khá tốt khi mà cuộc sống ngày càng gấp gáp, mưu sinh mệt mỏi hơn.

Nguyễn Ngọc Tiến