Lạm phát Việt Nam giảm về cuối năm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 05/06/2011
Góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã tham gia chương trình bình ổn giá. Ảnh: Linh Ngọc |
Dự báo, Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5% kể từ sau năm 2012, khi các nền tảng kinh tế vĩ mô trở nên ổn định hơn. Theo bà Kwakwa, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là một chính sách hết sức phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, nhiều chính sách có mục tiêu mạnh mẽ, thống nhất về tài khóa, tiền tệ hợp lý và củng cố lẫn nhau để giải quyết vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Nghị quyết 11 đang tạo ra bước đi quan trọng để có thể ổn định lại nền kinh tế vĩ mô, thể hiện qua hai yếu tố: giảm sự chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thị trường tự do với tỷ giá hối đoái chính thức; có thể cải thiện được hệ số tín nhiệm mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu quốc gia và sự tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam.
Theo ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Việt Nam có thể cao hơn khoảng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến cuối năm, lạm phát có thể giảm về khoảng 15%, nếu các biện pháp nêu trong Nghị quyết 11 được triển khai triệt để, tích cực. Ông Deepak Mishra cho rằng, 3 chỉ số ổn định nền kinh tế vĩ mô cần được duy trì là: lạm phát hạ xuống chỉ còn 1 con số; mức độ chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa ngân hàng Nhà nước và tỷ giá hối đoái thị trường tự do hoàn toàn không còn nữa; mức dự trữ hối đoái của Nhà nước đủ bảo đảm hai tháng rưỡi nhập khẩu.
Chuyên gia WB cũng dự báo, tăng trưởng của năm 2011 nhiều khả năng không đạt mục tiêu 7 - 7,5% mà Chính phủ đề ra, do tác động của lạm phát và sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu (tăng trưởng toàn cầu khoảng 3,3%, khu vực Đông Á là 8,2%). Mức tăng trưởng 7,5% của Việt Nam sẽ trở lại sau năm 2012 khi các nền tảng kinh tế vĩ mô trở nên ổn định hơn.