Vì sao chưa thể yên tâm?

Kinh tế - Ngày đăng : 05:37, 05/06/2011

(HNM) - Sáng 4-6, giá thịt lợn tại chợ xanh Văn Quán (quận Hà Đông) vẫn dao động trong khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg - mức cao chưa từng thấy. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như tôm cá, trứng, rau xanh, thậm chí cả hoa quả... vẫn

Tại các chợ Phúc La, Hà Đông, Ngã Tư Sở cũng vậy. Nhiều người nội trợ cứ đi lại, nhìn ngó, tính toán cân nhắc mãi trong cái nắng gay gắt của mùa hè để tìm mua được thứ phù hợp với túi tiền...

Đọc báo thấy Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả nước chỉ tăng ở mức 2,21% so với tháng trước. Cũng theo "ông" tổng cục, đây là tín hiệu tích cực bởi sau 4 tháng liên tiếp tăng cao, mà đỉnh điểm là tháng 4 (CPI tăng 3,32%), giá tiêu dùng đã có xu hướng hạ nhưng ngẫm nghĩ lại, người dân chỉ thực sự yên tâm khi giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là những mặt hàng thiết yếu, giảm trên thực tế chứ không phải trên nhận định, đánh giá.
Được biết, tại phiên họp thường kỳ vừa rồi, Chính phủ đã xác định quyết tâm tiếp tục kiềm chế lạm phát với nhiều giải pháp quan trọng. Ý kiến của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phải xem xét, có những biện pháp thích hợp để thúc đẩy sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá của những nhóm hàng hóa thiết yếu, có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Đó là những suy nghĩ về công việc phù hợp với thực tế.

Đồng tình với những chủ trương, biện pháp này, người dân đã xác định phải có ý thức tham gia cùng Nhà nước giải quyết khó khăn như tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý... Tuy nhiên, để việc bình ổn giá cả thị trường thật sự mang lại hiệu quả, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa... Nghĩa là phải làm một cách cụ thể, thiết thực cho đời sống dân sinh chứ không phải chỉ hô hào chung chung.

Nhật Minh