Khát khao một mái trường

Giáo dục - Ngày đăng : 15:02, 04/06/2011

(HNMO)- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm nay, chúng tôi lại có dịp lên với vùng đất Ba Vì (Hà Nội). Xen lẫn niềm vui vì kỳ thi diễn ra suôn sẻ, an toàn và nghiêm túc, cũng không khỏi chạnh lòng khi được biết, để hoàn thành chương trình học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp, không ít thí sinh nơi đây phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả so với các bạn cùng trang lứa nơi nội thành hoặc vùng ven đô.


Chấp nhận hoàn cảnh

Thời tiết trên địa bàn Hà Nội trong 3 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp năm học 2010- 2011 rất oi bức, buổi trưa tại khu vực vùng núi Ba Vì càng oi bức hơn. Thường thì, sau mỗi môn thi buổi sáng, phần lớn các thí sinh ở Hà Nội được phụ huynh đưa đón hoặc chủ động phương tiện nhanh chóng trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, tránh phải chịu đựng cái nắng nóng, mệt mỏi để có được tinh thần thoải mái làm tốt bài thi vào buổi chiều. Song, với không ít thí sinh tại huyện Ba Vì, do điều kiện khó khăn, nhà lại ở rất xa điểm thi nên đành chấp nhận ăn uống qua loa, rồi ngồi chờ đến giờ thi buổi chiều.

Trưa ngày 3-6, sân Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Hà Nội (xã Ba Trại, huyện Ba Vì) có rất đông thí sinh là học sinh của 2 trường THPT Ba Vì và THPT Bất Bạt ngồi “túm năm, tụm ba” chuyện trò hoặc giở sách vở ra ôn tập trong cái nóng hầm hập của trưa hè. Thí sinh Lương Văn Tuấn cho biết, em học tại Trường THPT Bất Bạt, tham gia dự thi tốt nghiệp tại hội đồng coi thi PTDTNT Hà Nội. “Nhà em cách điểm thi này hơn 20 cây số, sáng ra bố em chở đến đây, rồi chiều mới quay lại đón nên buổi trưa em phải tự lo ăn uống và tìm chỗ nghỉ ngơi”- Tuấn tâm sự. Cũng giống Lương Văn Tuấn, bạn cùng trường, cùng quê với em là Dương Thị Trang cũng phải chấp nhận hoàn cảnh như vậy. Cách chỗ các em ngồi không xa là dãy ký túc xá của Trường PTDTNT Hà Nội. Sau bữa ăn trưa tại căng tin, giờ này, các em học sinh của Trường PTDTNT Hà Nội đang nghỉ ngơi để chiều bước vào môn thi mới.

Các thí sinh nhà ở xa, tranh thủ ôn bài tại quán nước chờ môn thi buổi chiều (ảnh chụp tại Khu vực điểm thi trường PTDTNT Hà Nội, ngày 3-6)

Được biết, tại cụm thi số 3 trên địa bàn xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có 2 hội đồng coi thi, gồm: Hội đồng coi thi PTDTNT Hà Nội và Hội đồng coi thi THPT Ba Vì, với tổng số thí sinh đăng ký gần 930 thí sinh của 3 trường: THPT Ba Vì, THPT Bất Bạt và PTDTNT Hà Nội. Ngoài 88 thí sinh của Trường PTDTNT Hà Nội ăn, ở tại trường, còn phần lớn các thí sinh nhà ở rất xa địa điểm thi (ngót 20- 25 cây số), đường sá đồi núi, trong khi gia đình lại không có điều kiện sáng đưa trưa đón, nên các em phải tự túc ăn uống và tìm chỗ nghỉ ngơi buổi trưa. Tuy nhiên, không phải em nào cũng “rủng rỉnh” túi tiền để có thể thuê nhà trọ nghỉ trưa, do vậy đành ăn uống qua loa tại quán hàng quanh cổng trường, rồi tìm bóng râm cây cối để chờ đến giờ thi buổi chiều.

Được học tập là nguyện vọng chính đáng của mọi người

Ngoài cụm thi Ba Vì, tại cụm thi Giáo dục thường xuyên Ba Vì thuộc địa bàn xã Vật Lại, cũng có rất nhiều thí sinh phải chấp nhận “cơm niêu, nước lọ” trong 3 buổi trưa của kỳ thi tốt nghiệp. Sau buổi thi toán sáng nay (4-6), tại Trung tâm GDTX Ba Vì, trong khi nhiều thí sinh ra khỏi cổng trường là vội vã ra về, còn Hứa Thị Thanh Dung tần ngần đứng một mình. Em cho biết, nhà em ở xã Phú Cường, cách điểm thi khá xa, phương tiện đi lại không có, nên 3 hôm nay em đành một mình ăn “cơm bụi” buổi trưa. Theo Giám đốc Trung tâm GDTX Ba Vì Chu Duy Hưng, hầu hết các thí sinh học tại Trung tâm đều ở rất xa (bình quân khoảng 20 km) nên mỗi kỳ tốt nghiệp đều tự túc lo chỗ ăn, nghỉ buổi trưa. “Nắng nóng như mấy hôm nay thật vất vả và mệt mỏi!”- ông Hưng chia sẻ.

Vất vả đâu chỉ mùa thi!

Đó là tâm sự của nhiều học sinh ở các xã Khánh Thượng, Minh Quang theo học tại Trường THPT Ba Vì. Em Nguyễn Chí Tâm, ở xã Khánh Thượng (học sinh Trường THPT Ba Vì), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm nay, tâm sự: “Ở xã em, các bạn đủ tiêu chuẩn vào học tại Trường PTDTNT Hà Nội thì đỡ vất vả vì không phải lo chỗ ăn, chỗ ở. Ngoài ra, nếu học sinh nào có chí theo học cấp 3 đều học tại Trường THPT Ba Vì. Tuy nhiên, quãng đường từ xã em xuống trường rất xa, đường đồi núi lên dốc rồi xuống dốc nên cả 3 năm học ở trường, em phải đi ở trọ. Mỗi tuần về nhà một lần vào dịp ngày nghỉ”. Ngoài trường hợp của em Tâm, theo các thầy, cô trong Trường THPT Ba Vì còn có các em: Nguyễn Văn Thành (xã Khánh Thượng); Ngô Thúy Hằng, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Thị Quyên (đều ở xã Minh Quang)… trong cả 3 năm học tại trường đều phải thuê trọ. Hiện nay, tại các khối lớp 10, 11 của Trường THPT Ba Vì còn rất nhiều em ở 2 xã này đi thuê nhà trọ để theo học.

Ngoài các em học sinh được xét tuyển vào Trường PTDTNT Hà Nội, các em khác ở xã Khánh Thượng, Minh Quang khá vất vả để theo học cấp 3 vì nhà quá xa trường

Anh Bùi Quốc Anh đang công tác tại Công an huyện Ba Vì, cựu học sinh Trường PTDTNT Hà Nội quê ở xã Khánh Thượng (Ba Vì) chia sẻ: “Các bạn học sinh quê ở Khánh Thượng, Minh Quang học tại Trường THPT Ba Vì thì vất vả thật vì phải đi thuê trọ nhà ở, ăn uống lại phải tự lo. Biết vậy, nhưng không ở trọ thì không được vì đường sá dù đã được thảm nhựa nhưng quãng đường xa hơn 20 cây số lại lên dốc, xuống dốc không thể đạp xe đạp đi học vì phải học cả ngày, trong khi gia đình thì không thể cắt cử một người sáng đưa đi, chiều đón về được. Đành cố gắng vượt qua để có bằng tốt nghiệp THPT làm hành trang vào đời!”.

Mong sớm thành hiện thực

Ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì) và 1 xã giữa sông Hồng là xã Minh Châu. Dân số của huyện Ba Vì gần 27 vạn người. Hiện trên địa bàn huyện có 8 trường THPT (gồm cả 2 trường THPT dân lập, Trung tâm GDTX và Trường PTDTNT Hà Nội). Đến thời điểm này, diện tích bình quân (theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT) dành cho một học sinh ở một số trường còn thiếu, như: Trường THPT Quảng Oai có 2.000 học sinh/tổng diện tích 8.800 m2; Trường THPT Ngô Quyền có 1.900 học sinh/tổng diện tích 14.000m2…

Tuy nhiên, theo ông Tiến, nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng thêm trường THPT tại khu vực Minh Quang, Khánh Thượng. Trên thực tế, khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, đi lại (Khánh Thượng cách trung tâm huyện lỵ tới 40 km). Được biết, UBND thành phố đã có chủ trương xây dựng trường THPT trên địa bàn xã Minh Quang với quy mô 15 lớp học, giải quyết chỗ học cho khoảng 600 học sinh 3 khối: lớp 10, lớp 11 và lớp 12 tại các xã miền núi của huyện Ba Vì. Hiện nay, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư…

Dịp công tác tại Ba Vì lần này, chúng tôi được nghe kể rất nhiều những tấm gương vượt khó ham học. Trong đó, câu chuyện mà thầy Chu Duy Hưng, kể về học sinh Nguyễn Duy Tuyến, ở cuối xã Minh Quang (cách huyện lỵ 35 km) đi lại khó khăn do chân bị tật nhưng vẫn quyết tâm theo học tại TTGDTX huyện Ba Vì bằng cách thuê nhà trọ, thì mới thấy được người dân vùng núi Ba Vì khao khát đến thế nào về một ngôi trường cấp 3 để con em họ có điều kiện theo học. Khát khao đó thật chính đáng và mong sao nó sớm trở thành hiện thực!

Đức Hải