Sơ ý tích tắc, hiểm họa khó lường
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 04/06/2011
Bỏng trong nháy mắt
Cứ vào mùa nắng nóng, cán bộ, y bác sỹ Viện Bỏng quốc gia lại "vào mùa" tăng cường trực chiến bởi rất nhiều em nhỏ chưa kịp vui hè đã phải nghỉ trên giường bệnh, chống chọi với tử thần và sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tại Viện Bỏng quốc gia, tính ra mỗi ngày có hàng chục trẻ nhập viện.
Chăm sóc trẻ tại Khoa Chữa bỏng trẻ em thuộc Viện bỏng Lê Hữu Trác (Viện Bỏng quốc gia). Ảnh: Linh Tâm |
Vào Khoa bỏng trẻ em, chứng kiến cảnh những em bé nhỏ xíu phải băng bó toàn thân, khóc thét từng hồi vì đau đớn… và cảnh những ông bố, bà mẹ thẫn thờ, mắt mọng nước mới thấy xót lòng. "Giá như hôm đó em cho con lên nương cùng thì cháu đã không bị bỏng như thế này…" - mẹ cháu Hoàng Thị Thanh Thủy, 3 tuổi, người dân tộc Dao, huyện Bảo Yên (Lào Cai) nấc nghẹn khi có người hỏi thăm. Bé Thủy và anh trai mới 4 tuổi ở nhà, khi ông ra ngoài dắt trâu về là lúc bé bị lửa bếp bén vào váy, gây bỏng từ ngực xuống chân. Sau gần 2 tháng điều trị tích cực, dù sắp được xuất viện nhưng niềm vui chưa trọn vẹn với bé Thủy và gia đình vì theo các bác sĩ, cháu sẽ còn mất một thời gian dài chịu đau vì tập đi.
"Cháu đã qua 2 lần phẫu thuật, rất đau, rát, khó chịu lắm. Hè này, cháu chưa kịp vui chơi thì đã phải nằm viện rồi" - lời bé Trần Minh Ngọc (9 tuổi), quê ở Quế Võ (Bắc Ninh) khiến ai nghe cũng thấy buồn. Cô bé bị bỏng nửa người bên phải. Ngọc kể, hôm đó nhà mất điện, cháu bật bếp ga để hấp bánh bao, thành bếp cao nên khi cháu kiễng chân mở nắp, không may lửa bén vào váy. Tai nạn đến quá bất ngờ, khiến cháu luống cuống, xử lý không kịp dẫn đến bỏng sâu độ 4…
Đó chỉ là 2 trường hợp bỏng lửa trong tổng số 52 cháu mới nhập viện trong những ngày gần đây, trong đó số trẻ dưới 3 tuổi chiếm tới 60-70%, chủ yếu là do nước sôi, thức ăn nóng.
Hậu quả nặng nề
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa bỏng trẻ em thì thường gặp nhất vẫn là bỏng nhiệt ướt (chiếm 80-90%), loại bỏng do nước nóng, thức ăn nóng, nước tắm quá nóng, do lửa từ bếp ga, bếp củi. Thời gian trẻ gặp nạn nhiều nhất thường vào 17 giờ đến 21 giờ, cao điểm là giờ nấu ăn. Đó là quãng thời gian mà ông bà, cha mẹ dễ phân tâm, bất cẩn, không chú ý đến mọi hoạt động của trẻ. Ngoài ra, còn có bỏng điện sinh hoạt và điện cao thế. Dịp hè cũng là lúc Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận nhiều ca bỏng điện do trẻ thả diều, chơi dưới dòng điện cao thế.
Bỏng là tai nạn thường gặp, xảy ra trong những hoàn cảnh rất đơn giản, chỉ tính bằng giây, phút nhưng nguy hiểm đến tính mạng, để lại di chứng suốt đời. Với trẻ nhỏ, dù bỏng ở mức độ nào cũng rất phức tạp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ. Di chứng thường rất nặng nề, như mù mắt, cắt cụt chân, tay; rối loạn nhiễm sắc tố da, lên sẹo gây mất thẩm mỹ; dính, co cơ, gây biến dạng khớp, cột sống… Sự tổn thương khiến các cháu phải mất nhiều thời gian hòa nhập cộng đồng, thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Như trường hợp bỏng xăng của cháu Lô Văn Mạnh, 4 tuổi, xã Châu Bình (Nghệ An) là một ví dụ điển hình. Cháu bị bỏng xăng, bỏng sâu 20% từ đầu xuống ngực. Sau hơn một tháng điều trị tích cực, dù bệnh tình dần ổn định nhưng cháu đang bị teo 2 tai, mắt híp mí, co kéo cằm, cổ, miệng không há, không ngậm vào được. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, để khắc phục những di chứng đó là rất khó, cần nhiều thời gian và công sức trong khi hoàn cảnh gia đình cháu Mạnh rất khó khăn, chi phí điều trị là gánh nặng lớn với gia đình. Hiện cháu Mạnh rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Trách nhiệm của người lớn
Theo thống kê, mỗi năm Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận khoảng 3.500 bệnh nhân, trong đó 50% là trẻ em. Mùa hè, số trẻ bị bỏng nhập viện tăng mạnh do trẻ nghỉ hè thường ở nhà một mình hoặc được bố mẹ cho về quê, đi chơi... "tiếp cận" với nhiều tác nhân gây bỏng. Thực trạng là vậy, dù gì cũng là do lỗi của người lớn, nếu chúng ta chú ý tới trẻ hơn, biết trang bị kiến thức cần thiết về bỏng, có lẽ mức độ thảm họa sẽ giảm. Theo GS.TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia, các bậc phụ huynh, nhất là các ông bố, bà mẹ trẻ có con nhỏ cần đặc biệt chú ý trông trẻ, không để các vật dụng dễ gây bỏng như nồi cơm, canh nóng, nước sôi... ở chỗ trẻ dễ va phải. Phải tắt công tắc điện, không để trẻ vui đùa cạnh các ổ điện thấp, vừa tầm với. Không nên để trẻ thả diều, câu cá, bắt chim dưới đường dây điện... Trực tiếp điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bỏng rất thương tâm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn đưa ra khuyến cáo cho người lớn: khi trẻ bị bỏng, không loay hoay tìm kiếm thuốc bôi lên vết bỏng, như mỡ chó, kem đánh răng, nước mắm, dầu hỏa, xăng, mỡ trăn… Những thứ đó không được kiểm chứng, có thể phản tác dụng, gây nhiễm khuẩn và làm mất cơ hội cứu chữa cho trẻ. Cần phải tìm cách đưa trẻ đến bệnh viện nhanh nhất.
Cách sơ cứu khi bị bỏng - Bước 1: Trước tiên phải bình tĩnh loại trừ tác nhân gây bỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia cấp cứu. - Bước 2: Nhanh chóng đánh giá trạng thái toàn thân. Ngâm rửa trong nước sạch càng sớm càng tốt, nhưng phải ủ ấm phần còn lại. (không nên dùng nước đá) làm giảm sự đau đớn, phù nề tiết dịch từ vết thương. - Bước 3: Cởi bỏ quần áo ở vùng bỏng, không để gây ra những vết xước. Che phủ tạm thời và băng nhẹ bằng vải sạch, bù nước điện giải. - Bước 4: Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. |