Chuẩn nghèo cho thành thị

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 04/06/2011

(HNM) - Tuần này, Bộ LĐ-TB&XH công bố: Cả nước có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là TP Hồ Chí Minh (0,01%); Bình Dương (0,05%); Đồng Nai (1,45%); Bà Rịa - Vũng Tàu (4,35%); Hà Nội (4,97%). Đây là những khu vực đô thị hóa mạnh mẽ, đã ban hành chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.

Vấn đề ở chỗ, nhiều năm gần đây, khi lượng người nghèo ở nông thôn giảm, thì số người nghèo đô thị lại tăng lên khá nhanh. Người nghèo thành phố chính là nhóm dân cư bị "nghèo hóa" do quá trình đô thị hóa, di cư vì đất nông nghiệp bị thu hẹp, như người nhập cư làm xe ôm, phụ hồ, xích lô, hàng rong, người lao động nghèo làm công nhân trong các khu công nghiệp và cả những người thất nghiệp.

Nét rõ nhất trong bức tranh phác họa người nghèo đô thị là tỷ lệ nghèo đang có xu hướng tăng, thị dân nghèo ngày càng khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và phải vật lộn với cuộc sống thiếu những điều kiện an sinh tối thiểu. Muốn biết người thành phố nghèo như thế nào, chỉ cần dành chút thời gian đến các khu nhà trọ của sinh viên, lao động nhập cư, hoặc đến các khu trọ gần các cơ sở công nghiệp. Nơi ấy, với nhiều người chỉ là chỗ trú ngụ 4 tiếng về đêm, không được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, tiến bộ kỹ thuật xã hội tối thiểu, trẻ em khó tiếp cận với cơ sở học đường, y tế…

Dĩ nhiên, cái khó của chính quyền là việc di cư ồ ạt ngoài tầm kiểm soát (không đăng ký, kê khai nhân khẩu). Nhưng thực trạng người nghèo đô thị trên cho thấy, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về giảm nghèo đô thị. Chuẩn nghèo mới với thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị là 500.000 đồng và khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng. Tức là chênh lệch thu nhập chỉ 100.000 đồng. Nhưng nếu đánh giá các tiêu chí ngoài thu nhập thì số người nghèo đô thị chắc chắn sẽ còn nghèo hơn nhiều, thậm chí còn nghèo hơn cả nông dân nghèo. Và tỷ lệ người nghèo sẽ còn lớn hơn. Ví dụ, nhìn vào kết quả công bố của Bộ LĐ-TB&XH có thể thấy TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ hộ nghèo chỉ 0,01%, đây là con số thật khó tin khi tỷ lệ dân nhập cư nghèo đang sinh sống ở thành phố này lại khá lớn?

Trong quá trình phát triển chung, xu hướng di cư từ nông thôn ra thành phố là tất yếu và xu hướng này có thể mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội nhất định cho đô thị. Tuy nhiên, tình trạng bần cùng hóa có thể xảy đến bất cứ lúc nào đối với nhóm người này khi họ phải đối mặt với bệnh tật, thiên tai hoặc các rủi ro khác trong cuộc sống. Đây cũng được xem là nguyên nhân để nhóm người này rơi vào những cái bẫy tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp… trở thành nguồn gốc của bất ổn xã hội. Chính vì vậy, Nhà nước cũng như các nhà quản lý đô thị nhất thiết phải nhận thức rõ, phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý và thúc đẩy tăng trưởng KT-XH, đảm đương được vai trò của mình trong vấn đề này. Lúc này cần những chính sách căn cơ để giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Đó là một chiến lược an sinh xã hội phù hợp, tạo khả năng tiếp cận tài nguyên, tiếp cận các dịch vụ công với chi phí thấp, cũng như các cơ hội sống tốt hơn.

Tất nhiên, khó có thể đáp ứng những nhu cầu toàn diện cho tất cả người nghèo trong một thời gian ngắn. Song, điều cần làm trước tiên chính là xác định "chuẩn" để có chính sách phù hợp với nhóm đối tượng này, đưa vào định hướng, kế hoạch phát triển của đất nước. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế một cách toàn diện thì các chính sách giảm nghèo mới thực sự có hiệu quả.

Nữ Quỳnh