Tín dụng cho bất động sản cần linh hoạt
Bất động sản - Ngày đăng : 07:02, 03/06/2011
Như vậy, thị trường BĐS sẽ thiếu vốn. Với việc hạn chế này, theo tính toán thị trường sẽ mất khoảng 5 tỷ USD trên phạm vi cả nước, vậy sẽ lấy 5 tỷ USD này ở đâu để duy trì tiến độ của các dự án BĐS. Trong khi cả nước hiện có khoảng 2.500 dự án đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới. Trong đó, Hà Nội có hơn 800 dự án, TP Hồ Chí Minh gần 1.400 dự án, Hải Phòng có 260 dự án, Đà Nẵng hơn 120 dự án...
Không nên siết chặt việc cho vay tín dụng với các dự án nhà ở, chung cư do nhu cầu thực vẫn rất lớn.Ảnh: Đàm Duy
Thị trường BĐS đang được cho là "đóng băng". Trong số này, không ít nhà đầu tư cũng đang đứng trước áp lực phải "giải chấp" BĐS trước nguy cơ siết chặt tín dụng. Tuy nhiên, liệu có nên "đóng cửa" hoàn toàn với BĐS? Một trong những phương án được đưa ra là cần cân nhắc với những nhu cầu thực, nhu cầu BĐS cấp bách, phù hợp. Hiện nay, thị trường có 2 xu hướng: những nhà đầu tư ít vốn rao bán ồ ạt, thậm chí là chấp nhận lỗ. Ngược lại, người có tiền cho rằng hiện đang là thời điểm thuận lợi để đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, đây không phải là đợt bán tháo, hay nguy cơ "vỡ bong bóng", mà do tín dụng được thắt chặt, nhiều nhà đầu tư cạn tiền không thể tiếp tục theo các dự án, nên bán để thu hồi vốn. Đây cũng là điều bình thường ở bất kỳ loại hình đầu tư hay lĩnh vực kinh tế nào khi thắt chặt tín dụng. Song hiện nay việc bán hàng không dễ, bởi lượng tiền mặt khan hiếm.
Theo thông tin từ các sàn BĐS, do lượng dự án hình thành trong tương lai hiện chiếm khá nhiều, nên đây cũng là nguồn hàng đang được chào bán mạnh nhất và áp lực rủi ro tài chính mạnh nhất. Một nhà đầu tư cho biết, khi mua suất, các DN quy định khách hàng phải đóng tiền cọc, sau đó mới nộp tiền theo tiến độ. Nhiều người cho rằng, chỉ cần đặt cọc, sau đó "lướt sóng" ăn chênh lệch nên đã đầu tư vượt quá khả năng tài chính. Khi thị trường "đóng băng" không thể "lướt sóng", áp lực nộp tiền theo tiến độ đè nặng, họ phải bán để cắt lỗ. Bên cạnh đó, việc lãi suất tiết kiệm cao cũng khiến nhiều người rút vốn khỏi dự án. Bởi với 1 tỷ đồng mỗi tháng được lãi gần 20 triệu đồng, trong khi nếu theo đuổi mua nhà, đất cũng không dễ kiếm lời như vậy trong điều kiện như hiện nay. Do thắt chặt tín dụng, hiện hầu hết các NH đều từ chối cho vay BĐS tràn lan. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng đây là lúc thị trường BĐS được trả về đúng giá trị thực. Bởi lâu nay thị trường BĐS đã bị "làm giá" khiến giá tăng "chóng mặt", đẩy lên cao nhất, nhì thế giới, trong khi thu nhập ở nước ta lại quá thấp. Đó là chưa kể các chính sách đất đai hiện chưa đồng bộ, nhất là chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất.
Đành rằng, việc đấu giá này ở các địa phương đã mang lại lợi ích cho ngân sách, nhưng lại là cơ hội cho người giàu sở hữu đất, vì người nghèo không có tiền để đấu thầu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá BĐS một số nơi tăng cao, nhưng sau đó lại "đóng băng" vì không thể giao dịch.
Từ thực tế thị trường BĐS, các chuyên gia cho rằng, việc siết chặt tín dụng với cho vay đầu cơ BĐS là cần thiết, nhưng với nhu cầu thực cần được xem xét một cách thấu đáo. Theo Bộ Xây dựng, nguy cơ rủi ro hiện chỉ có thể hình thành ở dạng BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng, còn với phân khúc nhà ở, nhà chung cư vẫn thiếu. Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, đúng đối tượng. Cùng với đề xuất này, Bộ Xây dựng cũng đề xuất loạt giải pháp cho thị trường BĐS, trong đó có việc hạn chế tiến tới chấm dứt sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần hợp tác để cùng gánh đỡ khó khăn về vốn, trên cơ sở đó tận dụng thế mạnh của nhau, tăng cường thu hút dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài… có như vậy mới hy vọng thị trường BĐS sẽ ổn định và phát triển bền vững.