Nắng thơm trên đồi thi nhân

Văn hóa - Ngày đăng : 11:11, 02/06/2011

(HNMO)- Thật hiếm có ngôi mộ nhà thơ nào luôn luôn có người đến thắp hương và cắm hoa như ngôi mộ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tuổi dương thế của ông quá ngắn, vỏn vẹn 28 năm, nhưng sao ở nơi đây, trên đỉnh Gành Ráng này, tôi biết rằng ông vẫn “Chiều chiều hiện hồn lên nhìn non nước”...


(HNMO)- Thật hiếm có ngôi mộ nhà thơ nào luôn luôn có người đến thắp hương và cắm hoa như ngôi mộ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tuổi dương thế của ông quá ngắn, vỏn vẹn 28 năm, nhưng sao ở nơi đây, trên đỉnh Gành Ráng này, tôi biết rằng ông vẫn “Chiều chiều hiện hồn lên nhìn non nước”, đúng như ước nguyện của ông ngày nào. Tôi về thăm ông trong một ngày nắng vàng như mật ong. Đúng là nắng thơm như trong thơ ông.

Chuyện về hai ngôi mộ

Ngôi mộ Hàn Mặc Tử trên Gành Ráng hiện nay do người em thân thiết của nhà thơ là ông Nguyễn Bá Tín bỏ tiền và xây cất lên, từ năm 1959. Trong lúc an táng xây mộ, gia đình còn bị gây khó khăn và sau đó còn đồn thổi với dụng ý xấu là dưới mộ không có hài cốt của nhà thơ. Thậm chí, năm 1963 một số phần tử vô lại đã lên đập phá mộ làm sứt mẻ nhiều chỗ.

Vậy rồi mọi chuyện đã vãn hồi, nhất là vào năm 2008, mộ nhà thơ lại được chỉnh trang tu sửa rất đẹp để cùng nằm trong dự án Festival Bình Định. Ngôi mộ hình thành trước sự ngưỡng vọng của bao lớp người yêu thơ ông. Vị trí an táng thật đẹp và nằm trong quang cảnh rất kỳ thú. Khi viết lời tựa cho tập Thơ Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã viết: “ Giờ đây Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Gành Ráng đối diện với Bể Đông, bể sáng chói như thơ Anh, và giông bão như thơ Anh”. iờ đây ở dưới đỉnh Gành Ráng là khu du lịch biển tuyệt đẹp với các bãi đá với những hình thù rất lạ mắt.

Nhưng lại nghe ông còn một ngôi mộ nữa ở ngay tại trại phong Quy Hoà. Thấy lạ tôi theo người bạn, ở Quy Nhơn đi tiếp vào trong phía núi dưới đỉnh Gành Ráng. Khi nhà thơ mất, người ta xây mộ cho ông như bao người khác trong nghĩa địa làng phong, từ năm 1940. Mãi tới 19 năm sau gia đình ông mới di mộ ông lên Gành Ráng như hiện nay. Nhưng sao nơi đây vẫn còn một ngôi mộ của ông?

Ngắm kỹ tôi cho đây là một tượng đài khá độc đáo với biểu tượng kiến trúc hiện đại, với hình ảnh cây bút, trang sách, và vầng trăng chứ không phải là một bia mộ. Đọc những dòng chữ trên bia khắc, mới hay đây là công trình do ca sĩ Nhật Trường cùng vợ là Nam Trân đầu tư, để tưởng nhớ đến một thi nhân mà họ vô cùng ngưỡng mộ. Ca sĩ Nhật Trường cũng đã từng sáng tác một ca khúc rất nổi tiếng về Hàn Mặc Tử. Riêng người vợ của ca sĩ là nghệ sĩ Nam Trân đã lấy họ Hàn để làm danh xưng khi biểu diễn với cái tên Hàn Nam Trân.

Vậy nên chăng, tượng đài tưởng niệm nhà thơ trong trại phong Quy Hoà cần bỏ biển hiệu giới thiệu là mộ nhà thơ, để mọi người khỏi hiểu lầm.
Mạc hay Mặc?

Hiện nay nhiều văn bản, sách và tài liệu còn được lưu trữ đã hiện ra sự không nhất quán về tên của nhà thơ. Hàn Mặc Tử hay Hà Mạc Tử. Nếu nghĩ Mạc hay Mặc không quan trọng lắm, bới trước đây nhà thơ cũng đã từng dùng hai bút danh này thì quả là nhiều điều còn khó thống nhất về nghiên cứu và học tập. Mặc dù, sau đó nhiều tác phẩm ông đều dùng là Hàn Mặc Tử, nhưng nhiều cuốn sách và bài viết về ông, đến nay vẫn được song hành hai cái tên, tạo nên sự lúng túng về độ chân xác về tác giả.

Như ta đã biết cuốn sách đầu tiên viết về nhà thơ của ông Trần Thanh Mại với nhan đề sách là “Hàn Mạc Tử (1912-1940)”, xuất bản năm 1941, tại Huế. Đặc biệt, khi ông Trần Thanh Mại bị nhà thơ Quách Tấn kiện về bản quyền phổ biến thơ họ Hàn, cuốn sách này càng đắt hàng và được tái bản nhiều lần.

Tuy nhiên, sau đó một số nhà xuất bản đều cho in những cuốn sách đã thể hiện mâu thuẫn với nhau về bút danh của nhà thơ. Thí dụ, năm 1997 NXB Văn Học cho in cuốn “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”, thì đến năm 2000, chính NXB này lại phát hành cuốn “Hàn Mặc Tử thơ và đời”. Rồi đến năm 2006, lại NXB Văn Học tái bản sách “Hàn Mạc Tử (1912-1940)” của ông Trần Thanh Mại…Cũng trong thời gian này NXB Hội Nhà văn xuất bản tập thơ với nhan đề “Hàn Mạc Tử Thơ trữ tình”, năm 2001. Ấy là chưa nói đến nhiều tài liệu khác cũng vẫn có sự không đồng nhất về bút danh này.

Thậm chí nếu ai đến Gành Ráng viếng mộ nhà thơ vẫn còn có biển chỉ dẫn đường lên mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, chứ không phải Hàn Mặc Tử. Mới đây, vào tháng 3-2011, trên báo Bình Định có đăng bài viết của Lê Văn Lào, ở Quy Nhơn, vấn dùng cái tên Hàn Mạc Tử…

Vậy câu chuyện nên thống nhất ra sao đây?

Theo một số tài liệu, trong đó có câu chuyện tưởng như vui nhưng có sức thuyết phục về bút danh này. Ban đầu, Nguyễn Trọng Trí, tên thật của nhà thơ, dùng các bút danh như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Tới năm 24 tuổi, khi vào Sài Gòn làm báo, phụ trách trang văn thơ của phụ trương báo Sài Gòn, ông mới đổi bút danh là Hàn Mạc Tử, với ý nghĩa là chàng trai đứng sau rèm, lạnh buồn và trống vắng. Chỉ ít lâu sau đó, được bạn bè gợi ý để tăng thêm sức nặng của nỗi cô quạnh trước thiên nhiên, ông đã vẽ thêm vành trăng khuyết vào bức rèm. Theo tượng hình chữ Hán “Mảnh trăng khuyết” được đặt vào chữ “Mạc” thành chữ “Mặc” là vì vậy. Vậy bút danh Hà Mạc Tử tác giả chỉ dùng trong một thời gian ngắn, còn lại toàn bộ những tác phẩm sau này đều mang tên Hàn Mặc Tử.

Dù đó chỉ là truyền thuyết, nhưng việc dùng một bút danh cũng nên có sự thống nhất trên mọi cấp độ thông tấn, trước khi phổ biến tới bạn đọc.

Biển Quy Nhơn


Những nhan sắc tình mộng

Cũng giống như cái tên, Hàn Mặc Tử còn là đề tài cho nhiều loại hình nghệ thuật khai thác với nhiều bi tình sử, từ chuyện lãng mạn cho đến kinh dị trong phim, nhạc, kịch và hội hoạ. Đặc biệt là mối quan hệ của thi sĩ với các nàng thơ, những nhan sắc hiện hữu hoặc kể cả những người đẹp trong mộng tưởng.

Không nói đến hai người đẹp là Mộng Cầm và Mai Đình; một là phụ tình, còn một là luỵ tình và đều là nguồn cảm hứng cho những áng thơ tình đầy phiêu linh và đằm thắm, mà có thể nói đến hai giai nhân, mà thi sĩ họ Hàn mộng tới nhưng không được, mới là nguồn thi hứng đặc sắc nhất trong kho tàng thơ ca của ông. Đó là Hoàng Cúc và Thương Thương. Riêng với người đẹp Hoàng Cúc thì nhiều người biết, Hàn Mặc Tử cũng chỉ yêu thầm nhớ trộm, đơn phương sầu muộn nhớ nhung. Chính tập thơ “Gái Quê” của thi sĩ, xuất bản năm 1936, dường như dồn trọn vẹn cảm xúc cho người đẹp này. Mãi vài năm sau, Hoàng Cúc mới hay tình cảm của nhà thơ đối với mình, khi được tặng tập thơ, vào năm khi nàng đã theo gia đình rời Quy Nhơn về Huế. Hoàng Cúc gửi thư cám ơn và hỏi thăm sức khoẻ của Hàn Mặc Tử, vì lúc này ông đã lâm trọng bệnh. Vậy mà cảm xúc nhà thơ vẫn chan chứa khi đọc thư của người đẹp. Ngay trong đêm đó nhà thơ đã viết bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” tặng nàng. Và bài thơ này đã trở nên nổi tiếng và được xếp vào loại hay nhất của ông.


Nhưng kỳ lạ hơn là trường hợp yêu qua ảnh với mộng tình đầy liêu trai của thi sĩ mới chứng tỏ thật sự chất điên, hoang tưởng vì tình qua thơ ca vào những năm cuối đời. Số là, mối tình say đắm thật sự của Hàn Mặc Tử, thời kỳ đầu vào quãng 1937, với nữ sĩ Mộng Cầm bị tan vỡ, đã làm nhà thơ suy sụp tinh thần. Thấy bạn mình đau khổ và quá sức chịu đựng, bởi bệnh tật và tình phụ, nên ông Trần Thanh địch đã bịa ra những bức thư của một giai nhân tên là Thương Thương, một học sinh trường Đồng Khánh ở Huế, gửi cho Hàn Mặc Tử, với mục đích giải toả sự cay đắng trong lòng nhà thơ khi bị Mộng Cầm bỏ rơi.

Thực ra, Thương Thương chỉ là một có bé 12 tuổi, cháu gái nhỏ của chú Địch, đóng vai một cô gái viết thư để an ủi nhà thơ. Tuy nhiên, nội dung thư chỉ bày tỏ sự mến mộ tài thơ của Hàn Mạc Tử và mong có sự trao đổi thư từ học hỏi cùng những hẹn hò bâng quơ mà thôi. Nhưng không ngờ nhà thơ như được vỗ về quên dần hình bóng của Mộng Cầm và chuyển hướng sáng tác thơ cho người đẹp Thương Thương, mặc dù chưa hề gặp mặt.

Mộng tình này quả là đã an ủi được nhà thơ và rất nhiều sáng tác của ông trong thời gian này, khi bệnh phát nặng nhất, lại thăng hoa, chói sáng. Năm 1940, ông đã viết trọn một tập thơ với tiêu đề “Thương Thương”. Sống trong cơn bạo bệnh, nhà thơ vẫn vọng dến tình yêu trong mộng của mình:

“Chiều nay tàn tạ hồn hoa
Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào…”
(Nỗi buồn vô duyên)

Hay trong một số bài thơ khác ông không ít lần nhắc đến tên người đẹp dạng như:
“Bây giờ đây khóc than niềm ly hận
Hỡi Thương Thương người ngọc của lòng anh”…

Thời kỳ này bút lực của ông dồi dào hẳn lên với một tập thơ và hai kịch thơ. Trong đó có những câu tuyệt bút để lại cho đời như:
“Một mai kia, ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm…”
(Duyên kỳ ngộ)

Lời vọng

Đúng là giờ đây cố nhân đã nằm bên khe nước ngọc. Khi quay lại Gành Ráng tôi mới hay, mình phải bước lên cầu qua khe nước ngọc mới lên cùng thi sĩ để ngắm toàn bộ thanh phố và biển quy Nhơn. Và mỗi sang mai lên, ngày mỗi ngày, lại có người lên đồi thi nhân nhớ đến thân phận mỏng manh của con người tài hoa bạc mệnh và để an ủi ông như chính ông đã yêu thương con người: “Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc. Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay…”

Vương Tâm