“Nút thắt” của kinh tế vĩ mô?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 02/06/2011
Sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước còn yếu (cả sản phẩm công nghiệp và nông sản). Điều này được thể hiện trong cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu nước ta phần lớn là nguyên liệu thô, sơ chế và chủ yếu dùng lao động giản đơn. Cơ cấu đó không thay đổi trong thời gian dài. Mặt khác, nhập khẩu tăng nhanh gây ra nhập siêu lớn, vì các ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, hàm lượng nhập khẩu của hàng sản xuất cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước rất lớn. Đó là chưa kể áp lực của hàng công nghiệp nhập khẩu từ nước láng giềng Trung Quốc. Không chỉ vậy, hiện nay tại các siêu thị đang bán nhiều loại rau quả, sữa, rượu, bia, thuốc lá... có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Rồi lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm nay... Rất nhiều vấn đề "nóng" khiến công luận phải lên tiếng và một câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng đây là tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, buông lỏng quản lý trong nhập khẩu?
Để các sản phẩm nông sản và công nghiệp của ta cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, theo các chuyên gia, ngành chức năng cần phối hợp đồng bộ với các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn (xây cơ sở tập trung nông phẩm, cơ sở bảo quản tồn kho, trung tâm giao dịch...), quản lý công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn nông dân sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Trong lĩnh vực công nghiệp cần có các biện pháp thu hút các dự án FDI trực tiếp tăng năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong nước (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Không ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực không, hoặc ít liên quan đến hiệu quả tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thực hiện biện pháp tự vệ để hạn chế tình trạng nhập khẩu một số mặt hàng trong thời gian nhất định; sử dụng "hàng rào" là thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng tiêu thụ cao cấp, nhưng phải theo đúng quy định của WTO...