Sáng mãi tinh thần Bộ đội Trường Sơn

Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 02/06/2011

(HNM) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, trên những cung đường của Trường Sơn, lớp lớp thế hệ CBCS Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) đã không tiếc máu xương và sức trẻ để khai mở và giữ vững tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Trở về đời thường, dù nay tóc đã bạc, sức đã mòn, nhưng những người làm nên huyền thoại ấy vẫn đang phát huy phẩm chất và truyền thống giữa thời bình, góp phần xây dựng quê hương và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ…

Dấu ấn một thời lửa đạn


Bộ đội vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước. Ảnh: Tư liệu


36 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trong câu chuyện của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn ở Sư đoàn 471, Đoàn 559 năm xưa vẫn đầy ắp kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. CCB Lê Hồng Từ, Sư đoàn 471 đến từ Nghệ An, kể lại: "Càng gần đến trọng điểm địch đánh phá, xe chạy càng chậm. Chạy mỗi chặng khoảng 20-30 phút thì dừng để nghe ngóng tiếng máy bay địch. Cứ 2 xe thì biên chế 3 lái để dự phòng người này hy sinh thì người kia tiếp tục". Gian khổ là thế, nhưng đó là những ngày mà các chiến sĩ của Sư đoàn 471 sống sôi nổi, nhiệt huyết nhất thời trai trẻ.

Còn với những CCB từng thuộc "biên chế" của Tiểu đoàn Trưng Trắc năm xưa thì kỷ niệm về năm tháng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn mãi mãi không bao giờ phai mờ. Năm 1971, khi cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn ác liệt, hơn 500 nữ thanh niên Hà Nội tuổi đời từ 17 đến 20 đã tạm rời tay cuốc, tay cày, tay bút lên đường nhập ngũ. Họ là những nữ thanh niên đầu tiên của miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng huấn luyện, các chị được lệnh hành quân vào chiến trường và bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559. Công việc chính của họ là làm y tá, hậu cần, giữ kho, thông tin, văn thư, bảo mật, tổng đài, giao liên, san lấp hố bom… Dù phải dầm mưa, dãi nắng, phải chịu những trận sốt rét kéo dài, cuộc sống thiếu thốn và bom đạn luôn đe dọa tính mạng nhưng những nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc đã hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào. Chị Đồng Thị Mai, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc cho biết: "Suốt 5 năm chiến tranh ác liệt (1971-1975), 500 người của tiểu đoàn có mặt làm nhiệm vụ trên 2 mái Đông - Tây Trường Sơn, là phà Gianh (Quảng Bình), A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chiến tranh kết thúc, nhiều người lại nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nước bạn Lào".

Chất lính trong thời bình

36 năm đã trôi qua, nhiều chiến sĩ Trường Sơn đã trở về với cuộc sống đời thường nhưng chất "lính" và chất "lửa" vẫn vẹn nguyên trong họ. Nhiều người trong số họ đã phải làm đủ các ngành nghề khác nhau, với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Bài ca thắng trận năm xưa tưởng chừng đi vào quên lãng, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống, bản lĩnh của người lính Trường Sơn lại trỗi dậy, giúp họ vượt qua thử thách. Chỉ riêng Tiểu đoàn Trưng Trắc năm xưa đã có rất nhiều người thành đạt. Đó là chị Đồng Thị Mai, nguyên Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tây; Nguyễn Thị Thịnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức; Ngô Thị Tuyết, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Đức… cùng nhiều giảng viên các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Nhiều CCB khi trở về quê hương đã phát huy phẩm chất, truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, đoàn kết, năng động, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, tổ chức kinh doanh có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: làm trang trại, tổ hợp sản xuất, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống. Đó là các chị Ngô Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông; Vũ Thị Thúy Lành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Tường… Từ thành quả lao động của mình, các CCB đã tạo việc làm cho gia đình chính sách, giúp đỡ gia đình đồng đội khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Riêng CCB Vũ Thúy Lành luôn hăng hái đi đầu trong làm việc thiện. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, công ty của chị đã dành khoảng 500 triệu đồng tài trợ cho nhân dân vùng lũ lụt, hoạt động của Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn và nhân dân địa phương nơi chị từng đóng quân.

Những CCB như các bác Đinh Văn Khánh, Nguyễn Hữu Viên, Nguyễn Văn Hồng… thuộc Sư đoàn 471 lại đang góp sức xây dựng quê hương và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. CCB Nguyễn Văn Hồng tâm sự: "Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cứ có nơi nào mời về nói chuyện truyền thống, kỷ niệm chiến trường để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, tôi luôn sẵn lòng nhận lời". Ông không nhớ nổi đã có bao nhiêu thế hệ học sinh của huyện Thanh Trì đã được nghe ông kể chuyện chiến trường và có bao nhiêu trường học, đơn vị quân đội đã mời ông về nói chuyện. Tất cả lòng nhiệt huyết ông đều dành cho thế hệ trẻ.

Những chiến công trên đường Trường Sơn năm xưa và việc làm đầy ý nghĩa của những CCB hôm nay như mạch nguồn trong trẻo luôn tuôn chảy và đang được truyền lại cho thế hệ trẻ để câu chuyện sẽ còn mãi với thời gian.

Nguyên Hoa