Nâng cao hiệu lực,hiệu quả quản lý nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 02/06/2011

Nghị quyết ĐH lần thứ XI của Đảng đã dành một mục lớn nói về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề: “Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường; hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển biến mạnh về cải cách hành chính;

Trên tinh thần đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:


Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Linh Tâm


1 - Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân vững mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng là công cụ chủ yếu để cùng với MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện quyền làm chủ của nhân dân về chính trị, kinh tế và xã hội, tạo ra động lực mạnh thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đảng và mọi đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2 - Cải cách bộ máy, thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước theo phương châm “thà ít mà tốt”.

Cải cách bộ máy, thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước ta hiện nay là nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với kinh tế. Do đó cần tiến hành tốt các nội dung cụ thể sau đây:

Một là: Phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức lập pháp, hành pháp, tư pháp, các mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa các tổ chức đó với nhau, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế; khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Hai là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, chính sách tài chính công, xây dựng chính phủ điện tử và từng bước hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước.

Ba là: Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh và phúc lợi xã hội. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chiến lược quy hoạch và bằng các nguồn lực, các chính sách hướng các quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống kinh doanh vào những lĩnh vực và địa bàn cần thiết, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển của đất nước.

Bốn là: Tiến hành tốt việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra phạm vi cả nước.

3 - Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường pháp chế.

Phát huy dân chủ là phát huy nguồn sức mạnh to lớn của toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, củng cố, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói riêng, từ thực tiễn đời sống chính trị của xã hội ta hiện nay, ĐH lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh một số yêu cầu sau:

Một là: Phát huy dân chủ trong việc bầu cử, ứng cử, bảo đảm chất lượng và cơ cấu các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Hai là: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ tham gia quản lý xã hội nói chung và kinh tế nói riêng, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng; khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan.

Ba là: Đổi mới và thực hiện cơ chế “một cửa” không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu với dân; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan và cán bộ, công chức để tạo ra bước chuyển rõ nét trong việc giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là những khiếu nại về đất đai, tham ô, tham nhũng tác động xấu đến sự phát triển tăng trưởng kinh tế.

Bốn là: Bằng các chính sách, biện pháp thích hợp chăm lo cho con người, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân.

Năm là: Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi tổ chức và cá nhân.

4 - Đấu tranh phòng, chống độc quyền kinh tế.

Ở nước ta hiện nay đã và đang xuất hiện độc quyền kinh tế. Trước hết là độc quyền giá bán một số mặt hàng nhập từ các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, do một số doanh nghiệp trong nước được Chính phủ giao quyền nhập và bán. Họ câu kết với nhau để tăng giá bán, thu lợi nhuận cao một cách bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, tình trạng này đã diễn ra ở mặt hàng sữa của trẻ em và thuốc chữa bệnh nhập ngoại.

Để ngăn ngừa tình trạng độc quyền giá bán và giá mua, đòi hỏi Nhà nước phải ban hành đầy đủ quy chế quản lý giá bán và giá mua phù hợp với quy luật cung cầu hàng hóa. Đó là điều cần thiết đối với quản lý kinh tế nói chung và quản lý giá cả nói riêng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

5 - Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực tổ chức và quản lý nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng XHCN.

Cán bộ là cái gốc để hoàn thành tốt mọi công việc. Vì vậy, cần hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ, công chức, coi trọng cả năng lực và đạo đức; bảo đảm tính nghiêm túc, trung thực trong thi tuyển cán bộ, công chức. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn, gắn với việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ... Tăng cường cán bộ cho cơ sở, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức... Đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn để họ yên tâm phấn khởi làm việc.

6 - Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước không có nghĩa là Đảng làm thay Nhà nước, mà vấn đề mấu chốt là giải quyết đúng đắn mối quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Với tư cách là người lãnh đạo, Đảng phải đưa ra đường lối chiến lược cách mạng nói chung và đường lối chiến lược phát triển kinh tế nói riêng đúng đắn, có khả năng thực thi trong thực tiễn; Nhà nước phải bằng chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức, động viên toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược đó của Đảng đề ra; nhân dân phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước để thực hiện có hiệu quả cao các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng đề ra trong từng thời kỳ cách mạng. Chỉ có như vậy sự tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước mới thực sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong đời sống xã hội.

PGS- - TS Cao Duy Hạ (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)