Phổ cập kiến thức bơi lội cho HS: Đề án sớm “mắc cạn”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:43, 02/06/2011

(HNM) - Vụ tai nạn chìm du thuyền khiến 16 người tử nạn trên sông Sài Gòn một lần nữa xới lên trong dư luận tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh (HS) kỹ năng bơi lội ngay từ độ tuổi tiểu học. Thế nhưng, làm thế nào để phổ cập và đưa môn bơi lội vào trường học lại là vấn đề nan giải.

Không chỉ nhà trường "bó tay"

Không phải lần đầu tiên vấn đề dạy bơi cho HS được đề cập mà ngay từ năm học 2006-2007, Đề án "Dạy bơi cho HS tiểu học" của Sở TD-TT cũ (nay là Sở VH,TT&DL) và Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra đời. Nhờ có Đề án này, hàng nghìn HS tiểu học ở các quận, huyện Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Sóc Sơn… đã hào hứng tham gia học bơi vào mỗi dịp hè. Theo đề án khi ấy, Sở TD-TT chịu toàn bộ chi phí dạy bơi, còn ngành GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức, quản lý HS đến địa điểm học bơi. Mục tiêu của đề án là sau một khóa học, các em biết 1 kiểu bơi và có thể bơi liên tục 25m. Con số 50% HS tham gia đạt yêu cầu đã khiến không ít giáo viên, phụ huynh vui mừng, mong ngóng những dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, việc dạy bơi thưa dần và cuối cùng chỉ còn lại con số không. Nguyên nhân được "bật mí" là do các trung tâm TDTT quận, huyện không nhận được kinh phí từ phía Sở TD-TT nên không thể duy trì việc dạy bơi cho HS.

Dạy trẻ bơi lội là một việc cần làm nhưng không dễ.

Ở cấp Bộ, chủ trương thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015 được triển khai từ tháng 2 năm ngoái nhưng trên thực tế chẳng mấy nơi động tĩnh. Ngay tại Hà Nội, việc dạy bơi cho HS chủ yếu tùy thuộc vào điều kiện từng trường. Hình ảnh HS vui đùa trước mỗi giờ học bơi chỉ lác đác bắt gặp ở một số trường ngoài công lập hoặc trường có yếu tố nước ngoài như Tiểu học Dream House, Tiểu học Lý Thái Tổ…

Khi được hỏi "có nên đưa môn thể thao tự chọn này vào giờ học chính khóa?", hầu hết hiệu trưởng các trường đều tán đồng và cho rằng, đây là việc làm cần thiết, đặc biệt ở bậc tiểu học. Không chỉ với HS ở vùng có nhiều ao, hồ mà ngay cả HS thành phố, việc phổ cập kiến thức bơi lội sẽ giúp các em có kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước khi vui chơi, đi du lịch hoặc gặp thiên tai… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức cho các em học bơi ở đâu khi mỗi quận, huyện thường chỉ có một bể bơi phục vụ chủ yếu cho mục đích kinh doanh. Trong khi đó, việc xây dựng bể bơi tại trường học, hoặc cụm trường như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT được cho là không tưởng bởi phần lớn trường, lớp hiện nay còn chật chội, thiếu thốn.

Cần một "trọng tài"

Không chỉ có nhà trường mà ngay cả phụ huynh cũng mong muốn con em mình được học bơi để có thể tự bảo vệ. Tuy nhiên, tìm được một địa chỉ để học bơi lại là điều không đơn giản.

Học đến lớp 8 nhưng con trai anh Phạm Khắc Tuấn (ở phố Sơn Tây - Hà Nội) vẫn chưa biết bơi. Hè năm ngoái, hai bố con đã "hụt" mất lớp bơi ở Trường Thể thao thiếu niên 10-10 do đăng ký muộn. Anh Phạm Khắc Tuấn cho biết, các trường học hiện nay chưa phổ cập môn bơi, vì vậy, nhiều phụ huynh đã tìm đến những trung tâm thể dục thể thao như Trường Thiếu niên 10-10. Tuy nhiên, Trường 10-10 cũng chỉ có thể nhận 1.200 học viên vào mỗi dịp hè. Do số lượng có hạn nên nhiều phụ huynh đã không có được tấm vé bơi cho con em mình tại đây.

Lý giải trước thực trạng "cung không đủ cầu", ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng, nhu cầu học bơi của thanh, thiếu niên, đặc biệt là HS tiểu học thường tăng cao trong các dịp hè. Tuy nhiên, số lượng cơ sở dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn lại thiếu trầm trọng. Với những cơ sở đào tạo môn bơi lội bài bản, chỉ cần phụ huynh đăng ký muộn chắc chắn sẽ không còn chỗ. Để triển khai việc dạy bơi trong các nhà trường hiện tại rất khó khăn, việc đưa môn tự chọn này vào dạy chính khóa đối với nhiều trường hầu như chưa thực hiện được. "Hai khó khăn lớn nhất khiến môn bơi lội chưa được phổ biến trong trường học, chính là do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên", ông Ngũ Duy Anh khẳng định.

Để việc dạy bơi cho HS thực sự có hiệu quả, theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý ngành GD-ĐT, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP với vai trò như một "trọng tài" để điều tiết hoạt động của các đơn vị có liên quan. Có như vậy thì HS mới có thể nghĩ đến chuyện được học bơi.

Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng thúc đẩy việc phổ cập môn bơi. Chiến lược này nêu rõ đến năm 2020 sẽ phổ cập dạy và học bơi đối với HS hệ phổ thông và mầm non; bảo đảm 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa; chú trọng hỗ trợ các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

Hồng Hạnh - Xuân Lộc