Cần sớm có giải pháp cho công tác quản lý hoạt động du lịch đường thủy

Du lịch - Ngày đăng : 19:11, 01/06/2011

(HNMO)- Chiều 1-6, Bộ VH, TT&DL đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý hoạt động Du lịch đường thủy. Đây là một vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay, đặc biệt là sau một số vụ đắm tàu du lịch nghiêm trọng xảy ra gần đây.


(HNMO)- Chiều 1-6, Bộ VH, TT&DL đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý hoạt động Du lịch đường thủy. Đây là một vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay, đặc biệt là sau một số vụ đắm tàu du lịch nghiêm trọng xảy ra gần đây.

Hội nghị đã lấy ý kiến đóng góp, đánh giá hiện trạng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đặc biệt tập trung làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cho chính phủ để quản lý hiệu quả hoạt động du lịch đường thủy.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hồ Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị này với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và UBND, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công an các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy trên cả nước, các doanh nghiệp du lịch sẽ tham dự. Với trên 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan và các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy, từ 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh…

Nguyên nhân sâu xa…

Hiện nay, trong cả nước, nhiều tỉnh, thành phố có loại hình hoạt động tàu, thuyền du lịch. Qua thống kê sơ bộ do các Sở VH,TT&DL báo cáo nhanh thì tại 28 tỉnh, thành phố có khoảng 10 ngàn tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó lưu trú có 173 chiếc, vận chuyển có 9707 chiếc, nhà hàng 120 chiếc. Nhà hàng nổi và tàu thuyền vận chuyển khách du lịch hầu hết các tỉnh, thành phố đều có, riêng tàu lưu trú du lịch chỉ tập trung ở 6 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ và Thừa Thiên-Huế và Tuyên Quang, đã số là vỏ gỗ, số tàu vỏ sắt chiếm tỉ lệ nhỏ.

Ông Phạm Minh Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục GTVT đường thủy nội địa cho rằng: Từ trước đến nay, Bộ GTVT đã có ban hành rất nhiều văn bản dành riêng cho quản lý đường thủy gồm 46 văn bản, riêng lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải du lịch là 9 văn bản chủ yếu về việc đăng ký, đăng kiểm và an toàn cho tàu; Tiêu chuẩn kiểm tra chứng chỉ các thuyền viên; Thanh tra giao thông đường thủy

Theo đánh giá của Ông Phạm Minh Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục GTVT đường thủy nội địa thì thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông từ 2009 đến nay có khá nhiều vụ nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn là do các thuyền viên không tuân theo luật nên tồn tại bất cập còn nhiều.

Ông Trần Duy Hà – Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm thì cho rằng: số các phương tiện đường thủy nội địa hiện nay được đăng kiểm là 33.758 phương tiện. Trong đó, các phương tiện kinh doanh lưu trú không nhiều và phần lớn tập trung tại Hạ Long (Quảng Ninh), và các phương tiện kinh doanh nhà hàng tập trung tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số phương tiện tham gia giao thông còn nhiều hơn rất nhiều nên yếu tố quan trọng vẫn phải do các doanh nghiệp tự giác quản lý. Các cơ quan chức năng cũng cần phải phối hợp chặt chẽ mới mong thay đổi được những vấn đề tồn tại trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Danh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy cũng thẳng thắn cho rằng: “Hiện nay, vấn đề áo phao được đặt ra khá nóng bỏng, vấn đề bến bãi, luồng tuyến dành cho việc kinh doanh du lịch chưa hề được quy hoạch. Còn khi các tàu vi phạm thì các cơ quan quản lý yêu cầu xử lý nghiêm như tạm đình chỉ, hoặc hạ tải tàu là điều rất bất cập. Nếu đình chỉ hoặc tịch thu tàu thì phương tiện này không giống như chiếc xe máy hoặc ô tô, nếu giữ tàu ai sẽ là người trông và chịu trách nhiệm nếu xảy ra mưa bão làm nghiêng tàu.

Đặc biệt, trong các lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương hoặc Lễ hội Thủy sản chẳng hạn, có tới gần 4500 tàu, thuyền, ghe…tham gia thì khó có thể kiểm tra hết được con số đó. Riêng tàu du lịch ở Quảng Ninh đã có tới 7000 phương tiện nổi, chưa kể đến số lượng tàu bè làm nhà hàng ăn uống…được làm phao nổi bằng các thùng nhựa. Nếu chúng ta thiếu quan tâm đúng mức đến vấn đề này, chắc chắn chúng ta sẽ chỉ chạy theo đằng sau các sự vụ.



‘Giải pháp trước mắt

Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công An để xây dựng các tiêu chuẩn về tàu du lịch và thuyền viên phục vụ trên tàu như: Nên quy định độ tuổi của của trưởng tàu, đặt ra tiêu chuẩn các phục vụ viên trên tàu đều phải biết bơi để khi xảy ra sự cố không những tự biết cứu mình mà còn cứu cả khách.

Ông Trần Duy Hà – Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm cho rằng, nên chăng chúng ta cần có quy chế quản lý về thuyền trưởng, nên quy định độ tuổi thuyền trưởng là 35 tuổi. Nếu chúng ta quy định lái xe khách là 35 tuổi, thì thuyền trưởng cũng nên quy định độ tuổi như vậy, vì trách nhiệm của họ rất lớn, họ nắm trong tay cả trăm sinh mạng. Và chúng ta nên phải xử lý rất nghiêm, phạt thật nặng những hành vi vi phạm

Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với phương tiện thủy phục vụ khách du lịch. Thời gian ban hành là tháng 6/2011. Tổng điều tra thực trạng phương tiện, bến bãi…giao thông thủy phục vụ du lịch như: trên phạm vi toàn quốc, Cách tiến hành: có văn bản hướng dẫn, mẫu đề nghị Sở VHTTDL phối hợp với Sở GTVT, Công an, Cảng vụ các tỉnh/thành điều tra, thống kê, gửi báo cáo. Thời gian thực hiện: bắt đầu từ tháng 6, kết thúc tháng 8/2011. Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành...

…và những giải pháp lâu dài

Giải pháp, kế hoạch lâu dài cho việc quản lý phương tiện thủy phục vụ du lịch là: Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành thiết lập trật tự an toàn giao thông phương tiện thủy phục vụ du lịch (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ VH,TT&DL, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Bộ TT-TT) và Tổ công tác liên ngành (do Cục Đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp Tổng cục Du lịch, Cục Đăng kiểm, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy…). Cách thức tiến hành là thành lập, quy chế hoạt động do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Thời gian thực hiện: từ tháng 7/2011 đến khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất trọn gói. Bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới phương tiện, bến bãi… phục vụ du lịch đường thủy.

Cách thức tiến hành: tổng rà soát hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Thời gian thực hiện: tháng 8-10/2011 và được đánh giá định kỳ hàng năm...

Do mới phát triển loại hình nay nên tới nay, vẫn chưa có được những quy định, tiêu chuẩn phù hợp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động du lịch đường thủy chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở nhiều địa phương chưa được triển khai triệt để. Đội ngũ nhân viên làm việc trên những tàu thuyền du lịch mới chỉ ở mức phổ cập chứ chưa được đào tạo chuyên nghiệp, vừa thiếu vừa yếu nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng kết luận rằng, Việt Nam nên xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy: thuyền viên, nhân viên phục vụ buồng, phòng, đầu bếp…hướng dẫn viên du lịch trên đường thủy; Giao Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan đề xuất kế hoạch, chương trình trước tháng 9/2011. Thời gian thực hiện: đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc tại 1 số điểm du lịch trọng tâm trong tháng 10-11/2011: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Tập trung xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về quản lý phương tiện, bến bãi, nhân lực, hành khách du lịch trên đường thủy. Tập trung xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về quản lý phương tiện, bến bãi, nhân lực, hành khách du lịch trên đường thủy…Tăng cường công tác truyền thông tập trung đợt tuyên truyền từ tháng 6 - 9/2011 mùa du lịch nội địa và tiếp tục tổ chức các đợt tuyên truyền sau.

Trên cơ sở các ý kiến được thảo luận tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cùng các địa phương triển khai các giải pháp, kế hoạch đã đề ra, nhằm quản lý, quản lý có hiệu quả hoạt động du lịch đường thủy, trước mắt tập trung các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng thiếu an toàn của phương tiện, bến bãi…phục vụ du lịch đường thủy.

Tuyết Minh