“Bà đỡ” cho con em nông dân nghèo

Giáo dục - Ngày đăng : 07:04, 01/06/2011

(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn thành phố Hà Nội đã có gần 70.000 HSSV được vay 986 tỷ đồng tiền vốn.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, nhiều HSSV là con em các gia đình hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có tiền để trang trải chi phí học tập, bảo đảm không có trường hợp HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên đã giúp cho nhiều con em nông dân nghèo có điều kiện học tập. Trong ảnh: Giờ lên lớp của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Linh Tâm

Đầu tư hiệu quả vào nguồn nhân lực

Từ khi có tín dụng HSSV, những gia đình nghèo khu vực nông thôn như tìm được "phao cứu sinh" trợ giúp đắc lực giúp chắp cánh ước mơ về tương lai cho thế hệ trẻ. Trước đây, không ít gia đình nghèo khi nhận được giấy báo con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đan xen tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui vì bao năm đèn sách và đến kỳ thi tuyển con em mình đã đỗ đạt. Còn buồn là lấy đâu tiền bạc để chu cấp cho con em ăn học suốt trong 4-5 năm trời. Vì vậy, khi Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV có hiệu lực, đông đảo người dân đều cảm thấy phấn khởi. Đây là một chính sách nhân văn đầu tư chiến lược cho con người, có ý nghĩa sâu sắc, tạo bình đẳng trong học tập và hướng tới sự công bằng xã hội.

Gia đình ông Phùng Văn Viên, thôn Phú An, xã Thái Hòa, Ba Vì có tới 3 người con học đại học mà nguồn thu của gia đình chủ yếu từ 6 sào ruộng. Ông Viên nhẩm tính, mỗi tháng dù chi tiêu tiết kiệm, cộng tất cả các khoản từ điện nước, thuê trọ, sách vở, học phí, tiền ăn mỗi tháng phải chi 2 đến 2,5 triệu đồng/người đi học. Trong khi đó, với 3 cháu đang học đại học, mỗi tháng gia đình ông Viên phải chu cấp ít nhất là 6 triệu đồng. Nếu không có khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ba Vì ông không biết phải xoay xở thế nào. Các con ông cũng hứa quyết tâm cố gắng học thành tài, khi ra trường có công ăn việc làm sẽ nhanh chóng chung sức hoàn lại món nợ cùng gia đình. Ông Viên khẳng định, đây là chương trình tín dụng có ý nghĩa thiết thực người dân nghèo, được bà con tâm đắc. Chương trình tín dụng này sẽ xóa bỏ sức ép và những lo âu trăn trở đối với các bậc cha mẹ không có điều kiện tài chính, đặc biệt giúp các em HSSV thực hiện nguyện vọng chính đáng và những ước mơ cao đẹp của mình.

Bà Nguyễn Thị Mầu, Phó chủ tịch UBND xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh cho rằng, hàng năm số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn đạt cao, năm 2009 là 140 học sinh, năm 2010 là 86 học sinh… Nhìn chung các hộ gia đình có HSSV được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước rất phấn khởi tích cực tăng gia sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu yên tâm học tập, không cháu nào phải nghỉ học giữa chừng, nhiều cháu ra trường có việc làm và thu nhập ổn định đã giúp gia đình hoàn trả gốc và lãi đúng quy định. Tuy nhiên, theo bà Mầu, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng cho vay, không chỉ các gia đình nghèo, cận nghèo, mà đối với những hộ gia đình thuần nông cũng có thể tiếp cận nguồn vốn. Hiện, nhiều gia đình thuần nông, việc nuôi từ một đến hai người con ăn học với số tiền chu cấp từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng/người là hết sức khó khăn. Với giá cả tăng cao như hiện nay, Nhà nước cũng nên tăng mức cho vay từ 900.000đồng/tháng/người lên 1 triệu đồng/tháng trở lên.

Nguồn vốn đủ, cho vay hiệu quả bền vững

Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, doanh số cho vay từ khi triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đến 31-12-2010 đạt 986 tỷ đồng, bình quân mỗi HSSV được vay 14,19 triệu đồng, trong đó cho 1.126 HSSV vay trực tiếp gần 7,4 tỷ đồng, cho vay thông qua hộ gia đình HSSV hơn 911 tỷ đồng với 68.519 trường hợp HSSV đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đối tượng là hộ nghèo chiếm 39% tổng số hộ vay vốn, đối tượng là hộ cận nghèo chiếm 40,2%, đối tượng là hộ gặp khó khăn về tài chính chiếm 20,4% còn lại là HSSV thuộc diện mồ côi. Kết quả thu nợ trong 3 năm đạt 77,4 tỷ đồng.

NHCSXH chi nhánh Hà Nội luôn chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát để hạn chế những tiêu cực phát sinh, bảo đảm đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. NHCSXH Hà Nội đã phối hợp với Sở GDĐT, các hội, đoàn thể kiểm tra quản lý, sử dụng vốn vay tại 29 quận, huyện của Hà Nội. Qua kiểm tra thực tế cho thấy các trường, các huyện đã triển khai nghiêm túc chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, tiền vay được sử dụng đúng mục đích vào hỗ trợ chi phí học tập, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, không để tồn đọng. Đặc biệt, việc cho vay có bình xét, tham gia của các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn ở ngay thôn, xóm của các hội, đoàn thể nhận ủy thác và xác nhận của UBND cấp xã nên tính minh bạch cao, tạo sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp dân cư đối với chương trình tín dụng ưu đãi cho HSSV.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng đối với HSSV, chính quyền và đoàn thể địa phương cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận gia đình HSSV thuộc đối tượng được vay vốn, kịp thời thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn để xét duyệt, bổ sung kế hoạch cho vay, chú trọng đến đối tượng HSSV học nghề. NHCSXH kết hợp với mạng lưới các trường và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các ưu đãi của chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại cơ sở, bảo đảm nguồn vốn cho vay HSSV được sử dụng đúng mục đích. Kịp thời ngăn chặn những trường hợp sai phạm cho vay không đúng đối tượng và sử dụng vốn sai mục đích, có biện pháp xử lý, thu hồi nợ.

Theo Chi nhánh NHCSXH Hà Nội: Mức tăng trưởng tín dụng HSSV tại Chi nhánh trong năm 2011 là 350 tỷ đồng, 75.000 lượt hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Dự kiến, nguồn vốn thu hồi của chương trình để cho vay quay vòng khoảng 70 tỷ đồng.

Bạch Thanh