Ươm mầm xanh cho thế giới ngày mai

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 01/06/2011

(HNM) - Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai! Đây không đơn thuần là một khẩu hiệu hành động. Trẻ thơ là tương lai của đất nước. Đất nước Việt Nam


Ý thức rất rõ điều này, Việt Nam là quốc gia ký công ước bảo vệ quyền trẻ em sớm thứ hai trên thế giới (sau Thụy Điển). Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách bảo vệ, chăm sóc những mầm xanh của đất nước cho thế giới ngày mai. Thế nhưng những câu chuyện về bạo hành trẻ em vẫn nhức nhối như vết thương sâu vào lòng xã hội.

Những hành vi phản giáo dục xuất hiện trong chính ngành giáo dục, những hành động bạo lực, ngược đãi trẻ em xuất phát từ phía người lớn đã rung lên hồi chuông cảnh báo về truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đây có phải là một hiện tượng xã hội bất thường? Hàng loạt vấn đề đang được dư luận đặt ra trước nạn bạo hành trẻ em ngày một gia tăng.

Có nguyên nhân bắt nguồn từ những quan điểm truyền thống như "thương cho roi, cho vọt…". Quan niệm này vẫn tồn tại trong nhiều gia đình, thậm chí trong một bộ phận lớn người dân, kể cả người làm công tác giáo dục cho dù nó là một quan niệm sai lầm bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức trong việc nắm bắt tâm sinh lý trẻ thơ. Rồi những khó khăn của cuộc sống gia tăng sức ép lên những người thầy, đẩy họ vào cảnh không thể tự kiềm chế và trẻ thơ đã phải nhận hậu quả trút ra từ những bực bội ấy... Do vậy, nâng cao nhận thức về phương pháp giáo dục trẻ em, quyền trẻ em, giới hạn quyền người lớn… là những vấn đề vô cùng quan trọng bên cạnh việc củng cố cơ sở vật chất nuôi dưỡng, đào tạo trẻ thơ đang là vấn đề "nóng" với không chỉ các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một vấn đề nữa, mặc dù chúng ta đã có luật nhưng "nhờn luật" vẫn là tình trạng chung. Điều 110, Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định, người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm… Thế nhưng, nếu không phải những trường hợp bạo hành trẻ em được công luận lên tiếng, có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt ? Mức án quá nhẹ, không đủ sức răn đe, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, các vụ hành hạ trẻ em ngày một gia tăng và thường lặp đi lặp lại. Những hành động phi giáo dục, phản nhân văn không chỉ ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần mà thậm chí còn đeo đẳng các em đến tuổi trưởng thành… Đây không chỉ là vấn đề của lương tâm và trách nhiệm.

Bằng các quy định của hiến pháp, pháp luật, bằng việc tham gia vào Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, từ lâu Việt Nam đã thừa nhận trẻ em được hưởng mọi quyền cơ bản của con người và đã đưa ra nhiều chính sách nhằm chăm sóc bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng đáng buồn, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn chưa coi trọng điều đó. Thậm chí có nơi, có bộ phận cán bộ chưa lĩnh hội và thực thi đúng trách nhiệm của mình. Vì vậy, việc trẻ em bị bạo hành diễn ra ngày một nghiêm trọng và càng trở nên bức xúc.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai! Thế giới ngày mai sẽ ra sao khi những mầm xanh hôm nay không được chăm sóc đủ đầy? Thế giới ngày mai phụ thuộc vào cách ứng xử thể hiện bằng trách nhiệm và mỗi việc làm của từng gia đình và toàn xã hội với trẻ em hôm nay.

Thế Phương