Nan giải tình trạng ép giá, loạn thu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 31/05/2011
Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn báo cáo về vấn đề này, chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp, nhưng xem ra, không dễ chấm dứt việc thu phụ phí tùy tiện của các chủ tàu.
Lộn xộn, tùy tiện
Việc thu phụ phí tùy tiện gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Ảnh: Chí Lâm
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, các chủ hàng rất bức xúc vì các hãng tàu thu phụ phí mà không báo trước hoặc thông báo trong thời gian ngắn, làm giá thành tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu. Thống kê sơ bộ có cả chục loại phụ phí DN xuất, nhập khẩu phải chi trả như: phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container, phí tắc nghẽn cảng… Theo các DN có nhiều khoản thu phụ phí làm lợi cho chủ tàu rất lớn. Cụ thể, phí dịch vụ container THC là phí trả cho bến bãi đối với hàng nguyên container do cảng thu, thực tế chủ tàu thu trực tiếp từ chủ hàng nộp cho cảng. Mức thu của cảng là 20 USD/container 20 feet, 35 USD/container 40 feet, nhưng chủ tàu thường thu gấp khoảng 3 lần. Với phí tắc nghẽn cảng chỉ được thu khi xảy ra tắc nghẽn hàng tại cảng, hoặc tắc nghẽn kho bãi kéo dài. Trên thực tế, trong năm 2010 Cảng Hải Phòng không tắc, nhưng tuyến đường bộ đưa hàng ra, vào cảng bị ùn tắc, chủ tàu hoặc đại lý vẫn lợi dụng tình trạng này để thu phí. Tương tự, phí sửa chữa vỏ container đã được tính vào chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh, nhưng các hãng tàu vẫn thu từ phía chủ hàng Việt Nam… Đại diện một DN cho biết, thậm chí có cả khoản thu phụ phí đình công tại những nước nhận hàng xuất khẩu của ta mà nước họ thường xuyên xảy ra đình công. Đó là chưa kể tới các khoản phí như: vệ sinh container, phí thủ tục… Các khoản thu thêm đó khiến chi phí xuất, nhập khẩu tăng vọt. Một DN dệt may có tiếng trong nước cho biết, năm 2003, chi phí cho việc nộp phí xuất, nhập khẩu của đơn vị là 3 tỷ đồng, đến năm 2010 tăng lên đến 13 tỷ đồng… Việc thu phí quá nhiều khiến chi phí tăng, làm giá thành sản phẩm tăng, tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước giảm.
Bị ép do thiếu phương tiện
Theo Bộ GTVT, các loại phụ phí thực chất là giá cước vận chuyển và thường được thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên. Trên thực tế, hàng xuất khẩu của nước ta thường theo hình thức mua CIF (đã gồm tất cả giá vận chuyển, bảo hiểm…), bán FOB (chỉ đưa hàng lên tàu, mọi chi phí khác do bên mua chịu) nên không chủ động được quyền thuê phương tiện vận chuyển, dẫn đến bị áp đặt, không có quyền lựa chọn hãng tàu. Bộ GTVT cho rằng, điều này rất bất lợi cho chủ hàng Việt Nam vì các hãng tàu hạ giá cước để giành quyền vận chuyển hàng từ bên ngoài và khi lỗ thì tính bù lại từ phía chủ hàng Việt Nam do dễ áp đặt hơn đối tác nước ngoài. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do đội tàu container Việt Nam đang hoạt động theo hình thức cho thuê tàu hoặc vận chuyển gom hàng cho các hãng tàu nước ngoài. Đội tàu container đăng ký mang quốc tịch Việt Nam hiện là 36 chiếc (chiếm 2,24% tổng số tàu), chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu vận chuyển hàng hóa, còn lại do đội tàu container nước ngoài đảm nhận nên thường bị chủ tàu nước ngoài ép giá. Các hãng tàu thường tự ý áp đặt việc thu phụ phí không qua thương lượng. Phía chủ hàng buộc phải nộp do lệ thuộc vào việc cần nhận hàng về hoặc gửi hàng đi, khó phản đối quyết liệt. Đây là lý do khiến tình trạng thu phụ phí tràn lan…
Để giải quyết tình trạng loạn thu phí nói trên, Bộ GTVT kiến nghị cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển đội tàu trong nước, phát triển đội tàu container, tàu tải trọng lớn, chạy tuyến quốc tế để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần vận tải, giảm phụ thuộc vào các hãng nước ngoài. Bên cạnh đó, nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biên, giao thông để tránh các hãng tàu lợi dụng sự yếu kém về hạ tầng để thu phí. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội chủ hàng chủ trì, cùng các cơ quan liên quan hiệp thương giá cả với chủ tàu để tiến tới thị trường giá cước, phụ thu minh bạch, hợp lý. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung quy định về giá, phí hoặc ban hành thêm văn bản pháp quy để quản lý hoạt động thu, chi các loại phí, phụ phí vận tải hàng hóa đường biển bảo đảm công khai, minh bạch…