Bài học yêu thương

Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 31/05/2011

(HNM) -

Ngày hôm nay, cháu đã học được một bài học bổ ích, đó là phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh", cậu bé Phạm Hải Long, học sinh lớp 5D Trường Thực nghiệm chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi về chuyến thăm Viện Nhi Trung ương.


Học sinh Trường Thực nghiệm tặng quà trẻ em Viện Nhi Trung ương.


Nhằm giáo dục lòng nhân
ái cho học sinh, vừa qua Trường Thực nghiệm đã tổ chức cho hơn 20 học sinh lớp 3D và 5D đến thăm và tặng quà các bệnh nhi mắc bệnh ung bướu và tim bẩm sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được điều trị, chăm sóc ở Viện Nhi Trung ương. Những món quà tuy nhỏ, chỉ gồm bánh kẹo, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, sữa... nhưng lại mang nhiều ý nghĩa đối với các bệnh nhi đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật. Cậu bé Bùi Văn Hợp, bị bệnh tim bẩm sinh, quê ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình hồ hởi: "Cháu phải nằm viện, không được đến trường, cháu rất nhớ các bạn cùng lớp. Hôm nay, có các bạn Trường Thực nghiệm đến thăm, cháu rất vui".

Lần đầu tiên tiếp xúc với các bạn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, nhiều em học sinh Trường Thực nghiệm không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thương cảm. Bé Nguyễn Nhật Linh, học sinh lớp 3D cho biết: "Đây là lần đầu tiên cháu được tham gia hoạt động giúp đỡ các bạn nghèo. Cháu không nghĩ lại có nhiều bạn bị bệnh nặng như vậy. Về nhà, cháu sẽ tiết kiệm tiền ăn sáng để giúp đỡ các bạn ấy". Giống bạn, bé Trang Linh, học sinh lớp 3D bảo: "Lúc mới vào Khoa Ung bướu, cháu gặp mấy bạn đầu cạo trọc, cháu sợ lắm. Nhưng rồi biết các bạn ấy mắc bệnh nặng nên phải cạo trọc đầu, cháu lại thấy thương. Các bạn ấy thật bất hạnh, còn chúng cháu thật may mắn. Cảm ơn các cô, các chú, các thầy, cô giáo đã đưa chúng cháu đến đây để chúng cháu biết có nhiều bạn bất hạnh, để chúng cháu sống tốt hơn".

Những món quà nhỏ bé được trao tặng đến với các bệnh nhi từ chính tấm lòng ngây thơ, biết chia sẻ, yêu thương của những học trò nhỏ đến từ ngôi trường Thực nghiệm khiến nhiều người có mặt ở Viện Nhi Trung ương vô cùng cảm động. Chị Nguyễn Thị Hằng, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội tâm sự: "Tôi chỉ nghĩ các cháu vào thăm các bạn bị bệnh nặng, chứ không nghĩ là các cháu lại có quà tặng bạn. Việc làm hôm nay của các cháu đã cho tôi những giây phút thực sự xúc động, những khoảng lặng để nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái của mình". Nói rồi chị Hằng bảo, vợ chồng chị có cậu con trai 5 tuổi nhưng chưa một lần chị thấy con mình chia sẻ đồ chơi với bạn: "Cháu luôn giữ khư khư đồ chơi, không cho ai cầm vào. Đây có lẽ là một sai lầm trong giáo dục của vợ chồng tôi", chị Hằng nhận định.

Chị Trịnh Minh Chiến, Chủ nhiệm lớp 5D Trường Thực nghiệm cho biết, đây là lần thứ hai trường tổ chức cho học sinh đến thăm các bệnh nhi. Nhiều em sau khi đi thực tế, tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh đã có nhiều thay đổi cả về lối sống lẫn hành động, từ bỏ kiểu sống ích kỷ, đã biết chia sẻ, quan tâm tới bạn bè, giúp đỡ ông bà, lễ phép hơn với mọi người. "Trẻ em khi được giáo dục lòng nhân ái sẽ có khuynh hướng sống tốt hơn, biết sẻ chia với mọi người xung quanh. Do vậy, bên cạnh những bài học thuần túy sách vở, chúng tôi luôn hướng các em đến các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những con người kém may mắn để các em mở rộng tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn", chị Chiến chia sẻ.

Dạy trẻ biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi người đó là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Nhiều bậc cha mẹ vì phải tất bật với công việc nên thời gian chăm sóc con cái ngày càng bị thu hẹp. Điều này vô tình đã tạo điều kiện cho lối sống ích kỷ và thậm chí cả sự vô cảm. Lòng nhân ái có trong mỗi người, thế nhưng làm sao để phát triển lòng nhân ái cho một đứa trẻ và hướng nó đến một lòng tốt vô điều kiện, một tình yêu thương vượt qua bức tường ích kỷ thường có là điều không dễ. Việc làm của cô và trò Trường Thực nghiệm tuy rất nhỏ nhưng đáng để các bậc phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục suy ngẫm trong việc giáo dục, khơi dậy và mở rộng lòng nhân ái trong mỗi tâm hồn trẻ thơ.

Quỳnh Anh