Bài cuối: Không thể coi thường công chúng

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:05, 31/05/2011

(HNM) - Cách thức ứng xử nói chung gần với phạm trù đạo đức hơn là luật pháp, có khi biết là đi ngược thuần phong mỹ tục mười mươi mà vẫn khó

Mức phạt vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật chưa đủ sức răn đe.


"Khó" quản thì buông?
Không thể phủ nhận nỗ lực của ngành văn hóa trong công tác quản lý. Nhiều năm nay, cơ quan quản lý thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi về những vấn đề mới nảy sinh, giải pháp quản lý cần có. Tuy nhiên, những vấn đề bất cập trong quản lý hoạt động biểu diễn đã được nâng lên, đặt xuống nhiều lần nhưng xem ra chưa mang lại kết quả như mong muốn. Ví như việc cấp lại thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn - sau 8 năm bị bãi bỏ quy chế về vấn đề này - để phân biệt "vàng thau" nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được thực tế "loạn ca sĩ". Rồi việc cấm  ăn mặc phản cảm trong hoạt động biểu diễn theo Quyết định số 47 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" ban hành năm 2004 xem ra vẫn chưa theo kịp sự biến hóa khó lường của các hình thức biểu diễn.

Trong văn bản hiện hành có ghi rõ các hành vi bị cấm: "Đối với nghệ thuật ca múa nhạc hiện đại: Hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu…", thế nhưng thực tế thì việc ăn mặc phản cảm vẫn diễn ra ngày một công khai, "nhức mắt" hơn dù những hành vi phản cảm đã bị dư luận lên án gay gắt. Vấn đề đã được các nhà quản lý văn hóa mang ra "soi" nhiều lần nhưng mục tiêu xây dựng quy định cụ thể về độ dài, ngắn, tiêu chí xét định thế nào là trang phục gợi cảm, thế nào là trang phục hở hang… vẫn chưa hoàn thành. Vẫn biết trong bối cảnh hội nhập với thế giới, xu hướng giải trí quốc tế có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giải trí trong nước cũng như quan niệm về thẩm mỹ của công chúng, việc đưa ra một quy định rõ ràng, chi tiết về trang phục biểu diễn quả rất khó, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cơ quan quản lý được phép bó tay. Các cơ quan chức năng vẫn có thể kịp thời ngăn chặn những trường hợp mặc trang phục biểu diễn phản cảm ngay khi duyệt chương trình biểu diễn (trước khi chương trình diễn ra chính thức). Thực tế là nhiều năm nay, việc kiểm duyệt các chương trình biểu diễn vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng lại không được thực hiện nghiêm. Dù theo yêu cầu của cơ quan quản lý văn hóa là các chương trình nghệ thuật phải "chạy" thử như thật - từ khâu trang phục cho đến kết cấu, nội dung chương trình - nhưng khi diễn thật thì nghệ sĩ vẫn thản nhiên thay đổi trang phục, thậm chí thay ca khúc - tức là thay đổi về nội dung chương trình. Khâu kiểm tra, kiểm soát không được thực thi quyết liệt, nghiêm khắc ngay từ đầu thì những người thực hiện chương trình dễ "lách luật" và nghệ sĩ dễ "sa đà".

Việc xử lý tình trạng hát nhép, hát sai lời cũng trong tình trạng tương tự, xuất phát từ sự giám sát thiếu chặt chẽ và thiếu biện pháp xử lý nghiêm khắc của cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế là từ ngày 1-1-2010, hành vi hát nhép đã bị cấm theo "Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" được ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP, thế nhưng việc hát nhép này vẫn không giảm. Các Sở VH,TT&DL địa phương thì luôn "than" không có đủ nhân lực để kiểm tra, nên mới có chuyện nhiều chương trình khi duyệt thì "ngay ngắn" lắm, nhưng khi diễn thật, ca sĩ hát nhép mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) thừa nhận: Sự vi phạm quy chế biểu diễn muôn hình vạn trạng, thường xuyên có sự "treo đầu dê, bán thịt chó". Ở các thành phố lớn, việc vi phạm còn dễ bị phát hiện bởi có sự giám sát của các cơ quan truyền thông, còn ở nhiều địa phương, vi phạm diễn ra thường xuyên nhưng vì nhiều lý do mà cơ quan quản lý đành "nhắm mắt cho qua".

Khó nhưng không có nghĩa là buông lỏng. Đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa cần thực hiện những biện pháp xử lý cứng rắn và cương quyết hơn, không chỉ là xử phạt hành chính mà có thể rút giấy phép hành nghề, giấy phép tổ chức, thậm chí là đóng cửa địa điểm tổ chức trong thời hạn nhất định tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ. Để làm được như vậy, đòi hỏi cơ quan quản lý phải kiểm tra, kiểm duyệt, theo dõi sát các chương trình biểu diễn một cách nghiêm túc.

Nên tăng chế tài và mức phạt
Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa được áp dụng từ ngày 1-9-2010 đã có những điều chỉnh kịp thời, khung hình phạt tăng cao hơn so với các quy định trước đó. Nghị định quy định cụ thể từng hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt trong hoạt động văn hóa và chia thành 7 mục tương ứng với các lĩnh vực điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; mỹ thuật; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; nhiếp ảnh; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu… Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa cao nhất cũng chỉ 30-40 triệu đồng.

Mức phạt vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang được quy định rõ tại Điều 16, dao động từ 2 đến 40 triệu đồng. Theo quy định này, ca sĩ tự ý thêm - bớt lời ca, động tác biểu diễn, thay đổi trang phục biểu diễn khác với khi duyệt hoặc mặc trang phục biểu diễn phản cảm thì bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Nghệ sĩ dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật thì bị xử phạt từ 3 đến 6 triệu đồng. Đối với những tổ chức, đơn vị tự tiện thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp giấy phép thì bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Về vi phạm trong tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, tại Điều 17 trong nghị định này nêu rõ các mức xử phạt từ 2 đến 30 triệu đồng. Đáng chú ý là, nếu đơn vị tổ chức thi hoa hậu không đúng với nội dung đăng ký cấp phép thì sẽ bị xử phạt ở mức từ 20 đến 30 triệu đồng…

Nhìn vào các mức phạt trong Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, có thể thấy sự điều chỉnh kịp thời, nhưng ở nhiều lĩnh vực, mức phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. So với thu nhập cao của giới nghệ sĩ ở một số lĩnh vực "hot" thì vẫn chưa thấm vào đâu. Trong một chương trình mang tính thương mại, một người mẫu hạng nhất có thể kiếm được trên 10 triệu đồng/đêm diễn; ca sĩ trẻ nổi lên từ một cuộc thi âm nhạc, ngay lập tức có thể nhận được số tiền cát xê khoảng 5-15 triệu đồng/đêm diễn; với các "sao", tiền cát xê có thể lên tới 30-40 triệu đồng/đêm diễn. Chưa kể, họ có thể dễ dàng bỏ túi vài nghìn đô la chỉ trong một lần xuất hiện tại các sự kiện quảng bá cho doanh nghiệp nào đó. Nếu mức xử phạt đối với nghệ sĩ vi phạm quy chế chỉ bằng một nửa, hoặc một phần ba số tiền họ kiếm được trong một lần biểu diễn thì chưa thể khiến những người làm nghệ thuật thiếu nghiêm túc băn khoăn. Về vấn đề này, theo ông Vương Duy Biên, mức xử phạt thấp không những không đủ sức răn đe mà còn khiến cho những nghệ sĩ thích gây ồn ào bằng scandal sẵn sàng trả tiền phạt để tiếp tục… làm bậy cho nhanh nổi tiếng.

Ở Hàn Quốc, nghệ sĩ hát nhép có thể bị phạt 10.000 USD thậm chí bị đi tù 1 năm, ở ta, không quyết liệt đến mức ấy thì ít nhất cũng nên điều chỉnh mức phạt phù hợp hơn nữa. Nên chăng, nghệ sĩ hát nhép, sai lời, phát ngôn bừa bãi, mặc trang phục phản cảm bị tịch thu toàn bộ số tiền cát xê của đêm diễn mà lẽ ra họ được nhận? Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với truyền thông công bố danh tính nghệ sĩ bị phạt, coi đó là bài học răn đe đối với những cá nhân vi phạm và số đông?

Suy cho cùng, có đánh mạnh vào "túi tiền" và danh tiếng người vi phạm thì mới có thể khiến cho những người thích "ăn xổi", thích nổi tiếng nhanh bằng hành động phi nghệ thuật, gây "sốc" phải nhìn lại bản thân mà làm việc nghiêm túc, tôn trọng công chúng hơn.

Hoàng Vũ