Không thể chờ “phao cứu sinh”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 30/05/2011
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Ngoài sự giúp đỡ của các ngành chức năng, DN cần sự chủ động đưa ra các phương án sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua thách thức.
Bộc lộ điểm yếu
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc
vay vốn để duy trì sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, vấn đề "nóng" với DN hiện nay là nguồn tài chính thị trường và sự suy giảm lợi nhuận ở mức rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh Nhà nước phải chấp nhận giải pháp tiền tệ thắt chặt nhằm kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… thì hàng loạt điểm yếu nội tại của DN đã bộc lộ rõ. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Lê Xuân Bá, những vấn đề về công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, mức tiêu hao năng lượng để tạo ra mỗi sản phẩm của các DN cao đã đẩy từng đơn vị vào tình thế bất lợi vì hàng làm ra không thể cạnh tranh bằng giá thành trong khi sức mua của thị trường đang bị thu hẹp. Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan xác nhận, thời gian qua nhiều DN phân phối, bán lẻ đã lao đao trước thực trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong khi DN không thể tự tăng giá bán ra với tỷ lệ tương ứng. Trên thực tế, DN còn phải đối phó với thái độ thiếu đồng cảm của khách hàng, với câu hỏi thường trực là tại sao tăng giá…? Mặc dù về lý thuyết tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa những tháng qua luôn tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thực ra tỷ lệ này chỉ đạt mức hơn 7% nếu trừ đi mức độ lạm phát. Rõ ràng, hiệu quả kinh doanh của DN thuộc lĩnh vực này đang giảm sút.
Ở những lĩnh vực khác, DN cũng gặp khó vì chi phí liên quan đến SXKD tăng cao dưới tác động do tăng giá đầu vào, gồm xăng dầu, điện, giá nhân công. Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình ngầm Nguyễn Thanh Hoàn cho biết, nhà thầu còn khổ hơn bởi vừa chịu gánh nặng chung, vừa phải ứng vốn đối với các hạng mục đã thi công, lại phải trả lãi suất hơn 20% với các khoản vay ngân hàng. Một số đơn vị rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm thời đình đốn. Đại diện nhiều DN xác nhận, mặc dù lãi suất vay cao "ngất" nhưng việc có vay được hay không lại là chuyện khác và không phải đơn vị nào cũng có thể tiếp cận được vốn theo nhu cầu hoặc đúng thời điểm cần thiết. Đáng lo nhất là khối DN vừa và nhỏ đang được ví bằng hình ảnh loay hoay tự "bơi" vì sức yếu, vốn mỏng lại quen dựa vào nguồn vốn vay theo chu trình: vay vốn, hoạt động, bán hàng, trả nợ.
Huy động hợp lý nguồn lực
Viện trưởng Lê Xuân Bá cho rằng, các chính sách quản lý đến nay là phù hợp để kiềm chế lạm phát song cần được triển khai một cách đồng bộ để dễ tiên liệu, bảo đảm tính ổn định giúp DN chủ động trong kế hoạch SXKD. Tuy nhiên, việc áp dụng hạn mức tín dụng dưới 20% ở tất cả các ngân hàng chưa thật sự hợp lý, bởi sự khống chế này không nên là quy định chung mà nên căn cứ vào quy mô hoạt động, nhất là đánh giá thông qua chất lượng hoạt động của đơn vị cụ thể. Cơ quan quản lý cần kiểm soát xem dòng vốn "chảy" về đâu, đúng hướng không và bao nhiêu là vừa. Những ngân hàng đã đưa nhiều vốn vào DN thuộc khu vực sản xuất trong khi quy mô về vốn vẫn còn lớn và làm ăn hiệu quả nên cho phép nâng mức dư nợ lên cao hơn mức trung bình. Ngược lại, với ngân hàng quy mô nhỏ, huy động đầu vào với lãi suất cao rồi đẩy vốn vào khu vực phi sản xuất phải hạ hạn mức tín dụng xuống. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt việc cho DN vay để nhập khẩu hàng xa xỉ, hàng chưa cần thiết hoặc nhập dây chuyền, thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất theo chiều rộng.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, DN cần tập trung tăng chất lượng sản phẩm, cố gắng sản xuất thay thế nhập khẩu, quan tâm liên kết trong chuyển giao - ứng dụng công nghệ mới; tạm dừng triển khai các dự án hoặc mục tiêu đầu tư mới, cắt giảm chi phí quản lý và năng lượng… Theo ông Nguyễn Thanh Hoàn, mỗi DN nên huy động hợp lý nguồn lực, tập trung cải cách và tái cơ cấu SXKD, coi trọng kiểm soát nội bộ để làm chủ tình hình và phòng tránh rủi ro. Nên áp dụng một số biện pháp giảm thiểu thiệt hại, như tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, mua hàng trả chậm, thanh toán nhiều lần, mua hàng từ "gốc" thay vì mua từ đại lý… Mặc dù hiện nay chưa tìm thấy biện pháp tổng thể đủ sức mạnh để có thể thay đổi tình thế, nhưng mỗi DN phải từng bước định liệu, xoay xở một cách hợp lý nhằm vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên, giới quản lý và DN nhất trí rằng, việc Chính phủ đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để các ngành, địa phương, DN thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là hướng xử lý đúng đắn, có tác động tích cực trên diện rộng.