Lợi ích “kép”
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 30/05/2011
Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện cho thấy, số CNLĐ được tiếp cận kiến thức pháp luật hiện nay chỉ như "muối bỏ bể", ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN).
Nhiều bất cập
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 100 nghìn DN, với 1,1 triệu CNLĐ làm việc trực tiếp. Phần lớn số CNLĐ này là lao động nhập cư với đa phần ở bậc học phổ thông, thiếu kiến thức, nhất là kiến thức về pháp luật. Khi có tranh chấp về quyền lợi, người lao động thường không tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, ở nhiều DN việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục pháp luật cho CNLĐ chưa được quan tâm đúng mức.
Trang bị kiến thức pháp luật cho công nhân là việc làm cần thiết
để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cho biết, trung tâm đã thành lập được 5 năm, với nhiệm vụ chính là bổ trợ kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật lao động cho công nhân. Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng (chỉ có 4 cán bộ tại trung tâm và 214 thành viên ở 43 tổ tư vấn pháp luật các quận, huyện, CĐ ngành), do đó việc đưa kiến thức pháp luật đến với tất cả CNLĐ gặp không ít khó khăn. Trung tâm đã nỗ lực phát triển và duy trì được mạng lưới tư vấn pháp luật tại 375 DN, hằng năm, tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại DN và các khu trọ cho khoảng 10 nghìn CNLĐ. Ngoài ra, bằng các hình thức như tư vấn, tuyên truyền gián tiếp qua hệ thống phát thanh, các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi và tư vấn bằng văn bản.
Song theo nhận định của một số cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật cho công nhân, việc đưa pháp luật đến với CNLĐ và thực chất số CNLĐ thực sự "nắm" pháp luật hiện còn rất hạn chế. Lý do dễ thấy là nhiều "DN không tạo điều kiện để cán bộ tư vấn tiếp cận với công nhân; công nhân không sắp xếp được thời gian để "đến" với các cán bộ tư vấn chưa kể việc thiếu kinh phí hoạt động cũng khiến cho các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nâng cao trình độ kiến thức pháp luật cho công nhân bị bó hẹp...
"Đánh rơi" quyền lợi
Tại một buổi tư vấn pháp luật của tổ chức CĐ Hà Nội dành cho CNLĐ tại KCN Bắc Thăng Long diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, hầu hết công nhân khi được tư vấn đều khẳng định, những kiến thức pháp luật mà họ nắm bắt được rất bổ ích, thiết thực, giúp họ tự tin hơn trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều CNLĐ thừa nhận, trước khi đến đây, họ chưa có ý thức trang bị cho mình vốn kiến thức pháp luật cơ bản, bởi một mặt chưa hiểu và ý thức rõ được tầm quan trọng của việc nắm bắt kiến thức sẽ mang lại quyền lợi "sát sườn"cho bản thân như tự bảo vệ mình trước tình huống bị DN vi phạm, không thực hiện đầy đủ và đúng về chế độ, chính sách đóng BHYT, BHXH hay chế độ nghỉ ốm, thai sản... Mặt khác, dù ý thức được rằng, thiếu kiến thức về pháp luật lao động tức là đã tự "đánh rơi" quyền lợi của mình, khi bị chủ sử dụng lao động xâm phạm các quyền và lợi ích chính đáng rất khó tự bảo vệ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau họ đành... chấp nhận. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, với thời gian làm việc ca kíp dày đặc, khiến nhiều CNLĐ không đủ thời gian tái tạo sức lao động, chưa nói đến việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật hay đến các trung tâm tư vấn.
Công nhân Lê Ngọc Thọ, quê ở Ba Vì, Hà Nội làm việc tại Công ty HOYA cho biết: "Em cũng như rất nhiều bạn đồng nghiệp mong ước tổ chức CĐ có thật nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp tại KCN hoặc khu trọ của công nhân để em và các bạn có cơ hội tham gia".
Thực tế, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ mang lại lợi ích "kép", lợi cả đôi đường cho CNLĐ và DN. Bởi vì, khi công nhân có kiến thức pháp luật, họ không chỉ có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, mà còn thực hiện tốt các quy định, kỷ luật lao động, góp phần tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy tinh thần lao động sáng tạo của công nhân, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.
Để công tác tuyên truyền và giáo dục kiến thức pháp luật cho CNLĐ đạt hiệu quả cao, nhiều cán bộ tư vấn pháp luật cho rằng, cần đổi mới, đa dạng hình thức truyền tải nội dung như sân khấu hóa các buổi tuyên truyền, tư vấn hoặc xây dựng tủ sách pháp luật tại khu trọ đông CNLĐ và trong DN. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác này rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và có chế tài cụ thể "buộc" DN phải quan tâm, tạo điều kiện để công nhân được tiếp cận, nắm bắt kiến thức pháp luật...