Hậu dự án sẽ ra sao ?
Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 30/05/2011
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trí thức trẻ thiếu thông tin về quá trình triển khai, tuyển chọn, thực hiện dự án và đặc biệt là "hậu" dự án ra sao? Đây chính là những vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm, trao đổi và đặt nhiều câu hỏi.
Những băn khoăn chính đáng
Theo thống kê mới nhất (tính đến ngày 25-5) của Ban Quản lý Dự án đã có 145 trí thức trẻ trong độ tuổi từ 26 đến 29 nộp hồ sơ dự tuyển. Trong đó hồ sơ cho nhóm ngành nông lâm nghiệp là 42; nhóm tài nguyên, xây dựng, đất đai là 12; nhóm kinh tế là 25; còn lại là tốt nghiệp ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin và ngành nghề khác. Ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, sau khi triển khai, thông báo dự tuyển, rất nhiều bạn trẻ gọi điện, viết thư và đến tận nơi hỏi thủ tục hồ sơ. Đặc biệt, có nhiều trí thức trẻ đang làm ở các doanh nghiệp lớn của Hà Nội, lương 4 - 5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn tình nguyện, đăng ký dự tuyển, điều này cho thấy các bạn trẻ có tinh thần xung kích tình nguyện, chịu đựng khó khăn gian khổ để cùng bà con các huyện nghèo phát triển KTXH.
Đinh Văn Nam (SN 1985, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là một trong những trí thức trẻ nộp hồ sơ dự tuyển sớm. Anh đang làm Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trồng rừng Sơn Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nhưng khi biết có dự án tuyển PCT, thấy mình đúng đối tượng nên đã đăng ký tham gia. Nam cho biết, tỉnh Bắc Giang triển khai dự án ở huyện Sơn Động, nhưng nếu trúng tuyển, Nam sẵn sàng đến công tác tại các huyện nghèo khác trong cả nước chứ không chỉ ở Bắc Giang. Cũng như nhiều người, dù đã nộp hồ sơ, nhưng Nam còn nhiều băn khoăn, không rõ mức lương mới ra sao, cuộc sống thế nào, sau khi kết thúc dự án thì Nhà nước có chính sách nào cho họ, liệu có trở thành cán bộ công chức?
Nguyễn Thị Hằng (SN 1986), là thanh niên tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế Bộ Quốc phòng 4 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được gần 1 năm. Nhưng khi nghe thông tin có dự án tuyển 600 trí thức, được sự đồng ý của Ban Quản lý Dự án thanh niên tình nguyện, Hằng đã nộp hồ sơ đăng ký, mong được mang sức lực, trí tuệ của mình giúp đỡ đồng bào dân tộc. Bản thân Hằng có thuận lợi hơn, vì có kinh nghiệm làm việc, tiếp cận với đồng bào dân tộc gần 1 năm. "Tôi thấy dự án có 3 điểm mấu chốt. Thứ nhất, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các xã vùng sâu, vùng xa, thứ hai, thể hiện sự tin tưởng với thanh niên, trí thức trẻ, và thứ ba, giúp thanh niên, trí thức có một định hướng sống mới. Một điểm mấu chốt khác so với các dự án trí thức trẻ tình nguyện trước đây là trao cho thanh niên một chức danh nhất định, tạo một tiếng nói với HĐND, UBND cấp xã, giúp họ có thể áp dụng chuyên môn của mình. Các bạn trẻ tham gia dự án này có thể sử dụng chuyên môn giúp đỡ bà con, đồng thời tham gia vận động bà con trong các lĩnh vực khác. Vì thế, tôi nộp hồ sơ tham gia dự án mới này, mong được góp nhiều công sức, trí tuệ cho các xã nghèo". Hằng chia sẻ.
"Hậu" dự án ra sao?
Trong hơn 1 tháng triển khai dự án, rất nhiều người quan tâm đến mốc sau thời gian làm PCT xã rồi thì tiếp tục làm gì, cuộc sống ra sao, ở địa phương nơi công tác ấy hay trở về quê hương? Nhà nước có chính sách gì ở phần "hậu" dự án… Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Chỉ đạo dự án cho biết, sau khi hoàn thành vai trò PCT xã, nếu các đội viên có nhu cầu ở lại tiếp tục công tác, nhân dân tín nhiệm thì sẽ tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, Luật Cán bộ công chức và Nghị định 92 của Chính phủ quy định, chức danh PCT xã là cán bộ chuyên trách của xã, vì thế những đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhu cầu ở lại sẽ được quy hoạch tiếp tục làm lãnh đạo tại xã; nếu có nhu cầu chuyển lên huyện, tỉnh, sẽ được xét tuyển trở thành công chức nhà nước.
Về băn khoăn, trăn trở của người dân và trí thức trẻ trong trường hợp tuyển đầu vào thì đội viên đủ tiêu chuẩn nhưng khi làm việc thực tế mà không đạt, không đem lại hiệu quả thiết thực nào, không cống hiến nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ của nhà nước, các đội viên đang công tác nhưng thấy khó khăn nên viện nhiều lí do để không tiếp tục tham gia dự án nữa thì ra sao? Ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định thêm: Để tránh xảy ra trường hợp nêu trên, trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý Dự án sẽ cùng với các huyện có trí thức trẻ tăng cường thường xuyên kiểm tra, đánh giá, từ đó phát huy mặt tốt, khắc phục khó khăn, hạn chế để xem xét triển khai tiếp như thế nào. Nếu trường hợp vì lý do chủ quan, không đáp ứng được, chúng tôi sẽ sàng lọc lại để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của dự án.
Trao đổi thêm về biện pháp quản lý, theo dõi các đội viên, ông Thào Gà Nếnh, PCT UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho rằng, để quản lý tốt đội ngũ trí thức trẻ, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lãnh đạo huyện phải luôn quan tâm tới đội ngũ này, giúp họ vượt qua khó khăn, làm chỗ dựa tinh thần cho họ. Nếu không động viên, tạo chỗ dựa, có nơi, có lúc họ sẽ bị cô lập, không thể làm được dù nhiệt tình, ý chí cao, dẫn đến nản chí, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cần tập huấn cho các trí thức trẻ về ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, để họ sớm hòa nhập với nơi làm việc.
Hiện Ban Quản lý Dự án đã có phiếu khảo sát về 4 chức danh chủ chốt cấp xã của 894 xã thuộc 62 huyện nghèo; xây dựng bảng ưu tiên các chuyên ngành cần chọn cho 600 xã khó khăn nhất. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2012 sẽ tuyển chọn xong các đội viên và đưa về các xã. Hi vọng rằng, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trình độ chuyên môn, các trí thức trẻ sẽ góp phần thúc đẩy những xã nghèo phát triển đi lên.