Xuất phát điểm thấp, tầm nhìn hẹp

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 30/05/2011

(HNM) - Việc thu hồi ruộng đất của nông dân để xây dựng các khu công nghiệp đã tạo ra sự thay đổi nhất định về kinh tế, xã hội ở các vùng nông thôn. Vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là việc làm mới cho họ, những người vốn chỉ quen với ruộng, vườn.


Khó tìm việc do không có nghề


Nông dân học nghề may tại trung tâm dạy nghề


Khảo sát do TS Lưu Song Hà, Trường Cán bộ phụ nữ trung ương tiến hành trên 1.257 người ở độ tuổi lao động trong các hộ nông dân bị thu hồi đất cho thấy, đa số có trình độ học vấn rất thấp, chỉ một số ít có trình độ THPT, đa phần có trình độ THCS (63,8%). Học vấn thấp, không có tay nghề nên hầu hết nông dân khó kiếm việc làm. Chẳng phải đâu xa, mà ngay ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) - nơi có 51 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ tuyển dụng được 200 người dân địa phương vào làm việc. Nguyên nhân dễ thấy của tình trạng này là người nông dân không đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động do học vấn thấp không có nghề. Trên thực tế, hiện vẫn còn 60% lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là lao động giản đơn.

Độ tuổi là nguyên nhân lớn hạn chế khả năng thích ứng của người nông dân khi có những thay đổi về việc làm. Theo các số liệu khảo sát, trong số những nông dân không có việc làm thì số người có độ tuổi từ 35 trở lên chiếm 76,5%. Đó là độ tuổi quá muộn để đi học và quá sớm để được nghỉ ngơi. Trong khi đó, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khi tuyển lao động đều ưu tiên nhận người trẻ, những người vừa có sức khỏe lại dễ đào tạo. Hơn nữa, lao động trẻ chưa có việc làm hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao và đó là trở ngại khó vượt qua của những người nông dân từ 35 tuổi trở lên, xác suất được lựa chọn khi cùng tìm việc làm của họ bị giảm đi nhiều.

Đào tạo nghề, bài toán nan giải

Theo TS Lưu Song Hà, hầu hết các địa phương khi bị thu hồi đất canh tác để xây dựng khu công nghiệp đều đã có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong độ tuổi lao động. Nhưng, từ kế hoạch đến thực tế là một khoảng cách xa. Hầu hết cán bộ các xã bị thu hồi đất khi được hỏi đều mong muốn có một trường dạy nghề đặt tại địa phương mình. Trong thực tế, đã có nơi thực hiện được điều này nhưng không ai dám chắc học viên ra trường sẽ tìm được việc làm. Ở Hải Dương, ngoài tiền hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp khi thu hồi đất, mỗi lao động trong độ tuổi còn được tỉnh hỗ trợ thêm một triệu đồng. Số tiền này được giao cho các cơ sở đào tạo nghề, không giao trực tiếp cho người dân. Thế nhưng, không phải nông dân nào sau thu hồi đất cũng tới học nghề. Thêm nữa, giải pháp này cũng không hỗ trợ được nhiều cho nông dân vì khu công nghiệp mới hình thành chưa thể biết doanh nghiệp nào sẽ sản xuất ở đó và lao động họ tuyển cần trình độ gì… nên địa phương khó có kế hoạch đào tạo nghề cho bà con nông dân. Nếu đào tạo "lệch" với yêu cầu tuyển dụng của chủ sử dụng lao động thì số tiền hỗ trợ ấy coi như bị bỏ đi, người nông dân sở tại vẫn không có việc còn doanh nghiệp lại phải loay hoay chọn lao động ở nơi khác.

Một vấn đề khác là tầm nhìn của người nông dân trong việc tìm kiếm việc làm còn hạn chế. Phần lớn chỉ muốn có một việc làm ra tiền ngay để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu hằng ngày. Họ cũng chẳng mặn mà với việc dùng tiền đền bù để học nghề. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy chỉ có 11,2% số nông dân được hỏi cho biết có sử dụng tiền được đền bù để học nghề mới. Có thể còn thêm nguyên nhân là quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh, khiến người nông dân không đủ thời gian chuẩn bị để thích ứng với sự biến đổi. Nhiều giải pháp được đưa ra, như đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ; tổ chức hướng dẫn nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả canh tác; thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nền nông nghiệp đô thị… Nhưng, những giải pháp ấy vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Tình trạng dư thừa lao động vẫn đang là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp và lời giải vẫn còn là một ẩn số.

Lâm Vũ