Giá trị không thể đong đếm

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 04:33, 29/05/2011

(HNM) - Đầu tháng 5 này, huyền thoại thời trang người Pháp Pierre Cardin cho biết, ông đã sẵn sàng bán tập đoàn của mình và hy vọng có thể thu về số tiền khoảng 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD).

Quyết định này được cho là khôn ngoan khi thương hiệu thời trang Pierre Cardin còn đang có giá, trong lúc tình hình kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định. Lý giải cho quyết định của mình, nhà thiết kế này cho rằng, giờ đây ở tuổi 88 và không có người nối dõi nên ông muốn bán thương hiệu thời trang của mình trước lúc gần đất xa trời, để bảo đảm nó được tiếp tục lớn mạnh. Tuy nhiên Pierre Cardin mong muốn sau khi bán lại tập đoàn, ông vẫn sẽ giữ vị trí giám đốc sáng tạo để duy trì hình ảnh của thương hiệu thời trang quen thuộc.

Hơn 6 thập kỷ qua Pierre Cardin đã nổi tiếng với vai trò một nhà thiết kế tầm cỡ, một doanh nhân không biết mệt mỏi. Pierre quá nổi tiếng đến nỗi, ở Trung Quốc, đôi khi ông còn bị nhầm lẫn với tổng thống Pháp. Và trong khi những thương hiệu lớn hướng đến thời trang cao cấp thì Pierre bằng những thiết kế đời thường của mình lại trở thành một trong những cái tên phổ biến nhất được cả thế giới thời trang biết đến.

Tạo ra thương hiệu mang tên mình từ năm 1949, không chỉ trực tiếp sáng tạo, kinh doanh sản phẩm của mình, Pierre Cardin còn mở rộng tầm ảnh hưởng thương hiệu bằng các phương thức nhượng quyền thương mại. Sau 60 năm, Cardin có hệ thống 600 cửa hàng nhượng quyền trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Pierre Cardin nhượng quyền cho Công ty An Phước. Tên tuổi của ông được sử dụng cho 1.000 sản phẩm khác nhau, có mặt tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được đánh giá là một trong những cái tên đắt giá nhất. Pierre Cardin cũng được công nhận là nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới, theo sau là Calvin Kleins và Tommy Hilfigers. Châu Á là thị trường lớn nhất của hãng thời trang danh tiếng này.

Trong sự nghiệp, Pierre Cardin đề cao phong cách thời trang unisex (thích hợp với cả hai phái nam, nữ). Ông được xem là nhà thiết kế tiên phong với các mẫu thiết kế có môtíp, kiểu dáng hình học, sử dụng chất liệu ít thấy trong thời trang. Ông còn là người khai phá, biến nước Nhật thành thị trường thời trang cao cấp khi ông đến Nhật năm 1959. Đến năm 1978, ông thâm nhập thị trường Trung Quốc và đưa thương hiệu của mình trở thành một trong những biểu tượng sang trọng nhất tại Trung Quốc thế kỷ XX. Tờ Xinmin Daily của Trung Quốc từng viết: "Trong tâm thức nhiều người Trung Quốc, hình ảnh nước Pháp chỉ có 3 thứ là tháp Eiffel, Tướng De Gaulle và Pierre Cardin. Là một trong những nhãn hiệu quốc tế đầu tiên có mặt ở thị trường này, cái tên Pierre Cardin đã khắc sâu trong tim người dân Trung Quốc".

Vì vậy không có gì là khó hiểu khi Pierre Cardin định giá thương hiệu ở mức 1 tỷ euro, ông dựa trên mức giá 10 triệu euro cho mỗi sản phẩm của tập đoàn tại mỗi quốc gia. Con số này cao gấp đôi so với mức giá 500 triệu euro được ông đưa ra vài năm trước. Thời điểm Pierre Cardin ra giá khá hợp lý khi làng kinh doanh thời trang chứng kiến những vụ mua bán tiền tỷ. Mới đây, hãng LVMH (Moet Hennessy Louis Vuitton) đồng ý bỏ ra 5,2 tỷ USD để mua Bulgari S.p.A, công ty nữ trang lớn thứ ba thế giới. Còn cổ phiếu của hãng Jean Paul Gaultier thì đang được các nhà đầu tư săn đón.

Hiện có một số nhà đầu tư Anh, Mỹ và cả Trung Quốc tiếp xúc với Pierre Cardin về việc mua lại hãng thời trang này. Nhà thiết kế lão làng không đề cập về doanh thu hàng năm của tập đoàn mà nhấn mạnh đến 400 bằng sáng chế có trong tay. Theo ông, đó là "giá trị không thể đong đếm của một thương hiệu".

Kim Phượng