Chuyện cũ, lời hứa mới…

Văn hóa - Ngày đăng : 04:29, 29/05/2011

(HNM) - Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ đại diện cho 9 hội nghề nghiệp của thành phố, nghe những ý kiến đóng góp về việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ ngày 26-6-2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Thành ủy TP nhằm đẩy mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ đổi mới.


Một lần nữa vấn đề quan trọng lại được nêu ra: chế độ, chính sách của Nhà nước đầu tư cho VHNT đã đủ đáp ứng những điều kiện cơ bản của hoạt động sáng tạo nghệ thuật và đủ làm "chất xúc tác" để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao?

Trong tất cả các Hội VHNT của TP Hồ Chí Minh, ngành nào cũng có bức xúc. Ngành sân khấu, điện ảnh, múa… thì băn khoăn về điều kiện cơ sở vật chất cho nghệ sĩ hoạt động nghề. Nào là "…cải lương - đặc sản của miền Nam, kịch nói của các đơn vị xã hội hóa cũng đã được cả nước công nhận, thế nhưng vẫn phải đi thuê rạp để tồn tại"… Nào là "cứ nói phim được dàn dựng trong trường quay hiện đại, nhưng TP Hồ Chí Minh có trường quay đúng nghĩa hay chưa, nói gì đến hiện đại như các nước tiên tiến?". Rồi "một nhà hát đúng tiêu chuẩn quốc tế để có thể biểu diễn ca múa nhạc hằng đêm vẫn chỉ là mơ ước với một thành phố gần 10 triệu dân"… Đó là chưa kể đến khâu đào tạo nhân sự làm nghề, trình độ lý luận phê bình VHNT đang là lỗ hổng quá lớn. Đội ngũ giáo viên dạy chuyên ngành VHNT chưa được cập nhật tốt kiến thức. Việc thẩm định chất lượng đào tạo hiện nay của các trường dạy về nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa… chưa có quy chuẩn. Sự tài trợ cho sáng tác VHNT đã quá lạc hậu…

Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có mấy hoạt động trọng tâm trong năm, nhất là Hội nghị Văn học trẻ TP diễn ra ngày 28-5-2011(5 năm/lần) thì cũng do nguồn kinh phí có hạn nên nội dung phải thay đổi tận giờ chót (kết hợp hội nghị và trại viết, số đại biểu rút từ 100 xuống còn mấy chục…). Ngay cả một tuyển tập thơ văn trẻ cho hội nghị cuối cùng cũng do một NXB (thuộc cơ quan Thành đoàn TP) đứng ra tài trợ mới có cơ hội ra mắt. Việc tài trợ sáng tác, in ấn tác phẩm cũng rất khiêm tốn so với giá thị trường hiện tại, nhiều nhà văn không đủ tiền "liên kết" với NXB để in tác phẩm…

Vấn đề nêu trên không mới, nhưng để không phải nói đi nói lại mãi thì rất cần những cuộc đối thoại như trên để xáo xới vấn đề một cách quyết liệt. Các đề án về chế độ, chính sách đối với văn nghệ sĩ nhằm thực hiện Nghị quyết 23 đã và đang tiếp tục được phê duyệt chính là cơ sở cho những bước đổi mới về nguồn lực và cách đầu tư cho văn nghệ sĩ.

Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có lời hứa điều chỉnh chính sách tài trợ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, hỗ trợ xây dựng những công trình phục vụ văn hóa nghệ thuật tương xứng với vị thế của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước…

Chuyện cũ, lời hứa mới, hy vọng mới…

Phương Nam