Thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2011: Sẵn sàng cho giờ “G”

Tuyển sinh - Ngày đăng : 04:17, 29/05/2011

(HNM) - Ba ngày nữa, trên cả nước sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2011. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, các địa phương đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả thực chất. Chuẩn bị tâm thế cho thí sinh (TS) sẵn sàng bước vào kỳ thi để đạt kết quả tốt nhất cũng là việc được các thầy, cô giáo đặc biệt coi trọng thời điểm này.

Hà Nội đã sẵn sàng

Đây là năm thứ 3 sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc về số lượng TS tham dự kỳ thi với 80.000 em, chưa kể số TS tự do (khoảng hơn 3.000 em). Tổng hợp kết quả từ 20 đoàn vừa đi kiểm tra cơ sở vật chất và hồ sơ dự thi của TS tại 100% các trường và địa điểm tổ chức thi cho thấy hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho kỳ thi. Những bóng điện hỏng, quạt trần trục trặc, chân ghế lung lay, kích cỡ không phù hợp với HS THPT, đôi chỗ tường rào, cửa sổ chưa chắc chắn… được kịp thời thay thế và gia cố lại. Hơn hai chục điểm trường đang cải tạo, sửa chữa và những nơi có tổ chức các hoạt động không liên quan đến kỳ thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhắc nhở, yêu cầu dừng hoàn toàn trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Ôn tập tốt sẽ giúp thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Viết Thành

Điểm khác biệt so với các năm trước là hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ hồ sơ của TS đăng ký dự thi (trước đây là chủ tịch hội đồng coi thi - HĐCT). Quy định này buộc hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm hơn về tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ khi TS đăng ký dự thi tại đơn vị mình. Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Thị Diệu Hoa cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy ở một số nơi còn tình trạng hồ sơ chưa đúng quy chế như sổ điểm chưa chốt trang, việc vào điểm, sửa điểm chưa có dấu giáp lai, một số HS còn thiếu điểm bình quân môn học hoặc học kỳ… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời hoàn thiện, tạo thuận lợi nhất cho TS yên tâm ôn tập, sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Lịch thi các môn

+ Ngày 2-6:
Ngữ văn (150 phút), Vật lý (60 phút)
+ Ngày 3-6:
Địa lý (90 phút), Sinh học (60 phút)
+ Ngày 4-6:
Toán (150 phút), Ngoại ngữ (60 phút).
TS hệ giáo dục thường xuyên thi môn Lịch sử thay thế cho môn Ngoại ngữ.
Thời gian làm bài buổi sáng từ 7h30, chiều từ 14h30.

Năm nay, Hà Nội tiếp tục huy động nhiều lực lượng tham gia tổ chức thi như y tế, giao thông, bưu điện, điện lực, công an, xây dựng… Ban chỉ đạo và kiểm tra thi cấp TP do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm trưởng ban cũng đã được thành lập, phân công rõ nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. 29 quận, huyện, thị xã đều có ban chỉ đạo thi do đồng chí phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, chịu trách nhiệm về toàn bộ vấn đề diễn ra tại địa bàn mình quản lý.

Coi thi nghiêm để đạt kết quả thực chất

Năm 2007, cùng với việc triển khai "Hai không", lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều cải tiến, trong đó có sự tham gia của hơn 6.000 thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cắm chốt tại tất cả các HĐCT trên toàn quốc. Con số hơn sáu chục phần trăm HS đỗ tốt nghiệp THPT năm đó là tỷ lệ thấp nhất so với nhiều năm trước, thậm chí có trường có tỷ lệ đỗ 0%, song lại nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều phía. Không ít thầy, cô giáo đã thừa nhận rằng: Tỷ lệ này đã củng cố ý thức học tập của nhiều HS THPT những năm sau đó. Hầu hết các em đã bớt chủ quan, không ỷ lại, trông chờ vào sự dễ dãi của giáo viên, biết chăm lo cho việc học ngay từ những ngày đầu năm học.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 chủ yêu nằm trong chương trình lớp 12. 
Ảnh: Viết Thành

Mùa thi này, dư luận lại đang không khỏi băn khoăn, dự đoán "bệnh" thành tích có nguy cơ trở lại. Số lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT tại các địa phương so với năm 2007 chỉ còn 1/10. Việc cắm chốt của thanh tra ủy quyền tại tất cả các HĐCT cũng không còn, gây nên mối lo ngại không nhỏ về tính nghiêm túc của khâu coi thi tại địa phương.

Theo khẳng định của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc đạt kết quả thi thực chất là mục tiêu mà toàn ngành đã duy trì từ nhiều năm nay. Quan điểm được quán triệt tới tất cả thành viên tham gia tổ chức thi là nghiêm túc, khách quan, công bằng ở mọi khâu. Trong đó, việc coi thi nghiêm được coi là "gốc" để tiến tới kết quả thực chất của kỳ thi và phản ánh đúng chất lượng dạy - học. Những dấu hiệu lơi lỏng hay chặt của các thành viên trong HĐCT dù ở bất kỳ HĐCT nào trên địa bàn sẽ tác động không nhỏ tới tính thực chất kết quả của toàn kỳ thi. Vì vậy, ngoài việc nắm vững quy chế thi, mỗi giám thị còn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo ra "sân chơi" công bằng, lành mạnh và không gây áp lực để TS yên tâm, phát huy tối đa khả năng làm bài. Hà Nội cũng duy trì việc cắm chốt của thanh tra địa phương tại tất cả các HĐCT, với tỷ lệ 7 phòng thi/1 thanh tra. Dù số lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội giảm, song tổng số thanh tra có mặt tại các HĐCT trên địa bàn TP vẫn lên tới hơn 500 người.

Để kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, đạt mục đích, tại hội nghị về công tác coi thi vừa diễn ra, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu lãnh đạo các HĐCT phải thực hiện đúng, đủ 4 yêu cầu: Chuẩn bị tốt về mọi mặt, kiểm soát được tình hình diễn ra tại HĐCT, giải quyết tốt các tình huống phát sinh, coi thi nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng. Các đơn vị được yêu cầu không được chủ quan khi triển khai tổ chức kỳ thi, dù đây là công việc thường niên; tuyệt đối không vì bệnh thành tích mà buông lỏng kỷ luật trường thi.

Những lưu ý quan trọng với thí sinh

+ Có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định, chấp hành hiệu lệnh của HĐCT và hướng dẫn của giám thị. Khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, TS đến muộn không được dự thi.

+ Xuất trình thẻ dự thi hoặc giấy chứng minh nhân dân cho giám thị khi gọi đến tên và số báo danh của mình. Giám thị cho phép mới được vào phòng thi; ngồi đúng chỗ ghi số báo danh trong phòng thi.

+ Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, TS chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp kèm đề thi, giấy nháp.

+ TS học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) phải làm phần đề riêng của đề thi, ứng với chương trình đó. Nếu làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.

Các vật dụng được mang vào phòng thi

Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, com-pa, ê-ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử), máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlát Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do NXB Giáo dục ấn hành), không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

TS mang theo tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi hoặc các phương tiện thu phát thông tin không có trong quy định thì dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.

Thống Nhất