“Loạn” phí trông giữ xe: Tiền tỷ chảy vào đâu?

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 28/05/2011

Ngày 26-5-2011, Báo Hànộimới có đăng bài


Ông Nguyễn Văn Hòa (phường Kim Liên, quận Đống Đa): "Căn bệnh" đã nhờn thuốc


Tôi nhận thấy, hầu hết các điểm trông giữ xe đều có vi phạm. Nơi thì có vé trông giữ xe do Bộ Tài chính phát hành, nhưng sử dụng quay vòng, nơi thì dùng vé tự tạo. Tình trạng thu tiền quá giá quy định diễn ra phổ biến, ít thì tăng thêm 1.000-2.000 đồng, nhiều thì tăng gấp 5, gấp 10 lần. Kết quả kiểm tra của các lực lượng chức năng trong những năm qua cũng thể hiện rõ điều này: hơn 90% các điểm trông giữ xe được kiểm tra có vi phạm về thu phí và niêm yết giá. Không chỉ có vậy, nhiều điểm trông giữ không có giấy phép, sử dụng vé tự chế, không biển hiệu… Sai phạm diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm nay, gây không ít bức xúc cho người dân. Song, dường như việc tìm ra giải pháp khắc phục vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng, bởi hầu hết các điểm trông giữ vi phạm sau khi bị xử lý vẫn tái phạm, thậm chí còn tăng phí trông giữ cao hơn để "bù lỗ". Chỉ có người gửi xe là chịu thiệt! Phải chăng "căn bệnh" này đã "nhờn thuốc"?

Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): "Khoán" nhưng chưa "quản"

Theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 9-1-2009 về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội, phí trông giữ xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/lượt; ô tô 9 ghế ngồi trở xuống và xe tải 1,5 tấn trở xuống là 10.000 đồng/xe/lượt. Thế nhưng rất hiếm các điểm trông giữ xe thực hiện đúng quy định. Không chỉ các điểm trông giữ xe tư nhân vi phạm, các điểm trông giữ xe do Công ty Khai thác điểm đỗ, doanh nghiệp nhận "khoán - quản" cũng thu phí quá quy định. Chính sự thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên của các đơn vị chủ quản, cơ quan chức năng, khiến công tác quản lý bị buông lỏng, dẫn đến các tổ chức, đơn vị nhận khoán trông giữ xe ngang nhiên tăng phí. Sai phạm về thu phí trông giữ xe diễn ra hằng ngày, song dường như đơn vị chủ quản không mấy quan tâm. Như vậy, chúng ta mới "khoán" chứ chưa "quản" được.

Bà Phạm Minh Chi (Công ty Phân tích tài chính WVB): Chồng chéo trong quản lý...

Vào bệnh viện, đến trường học, đi siêu thị, trung tâm thương mại gửi xe, đi xem phim cũng gửi xe… Nhu cầu gửi xe của người dân hằng ngày khá lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, số tiền mà người dân bỏ ra để gửi xe ước tính lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trên thực tế, giá trông giữ xe đạp, xe máy do ngành Thuế quản lý, được in sẵn trên vé, song, việc quản lý hoạt động của các điểm trông giữ xe lại thuộc về UBND phường, Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện. Ngoài ra, còn có các lực lượng: công an, thanh tra giao thông… Nhiều ban ngành, lực lượng tham gia quản lý, nhưng việc thu tiền quá quy định cao gấp nhiều lần của các điểm trông giữ xe vẫn diễn ra một cách ngang nhiên. Người dân thì chịu thiệt, Nhà nước thì thất thu. Các khoản tiền nâng giá này rơi vào tay ai? Ai thực sự được lợi và trách nhiệm của các cơ quan quản lý đến đâu? Có hay không sự thông đồng giữa một số cán bộ phường sở tại, các lực lượng quản lý, thanh tra đối với các nhà "thầu" bãi trông xe?

Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội): Quy trách nhiệm cụ thể cho cán bộ quản lý

Để siết chặt việc quản lý các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, tôi cho rằng, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp với các ngành liên quan rà soát, bố trí các điểm trông giữ xe có điều kiện; kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông. Cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các điểm trông giữ xe vi phạm. Các trường hợp tái phạm nhiều lần, cơ quan quản lý cần kiên quyết rút giấy phép, không cho tiếp tục hoạt động. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn có các điểm trông giữ xe vi phạm nhiều lần cũng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên hạn chế cấp phép cho các cá nhân tự tổ chức trông giữ xe, chỉ cấp phép cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý.

Dạ Khánh