Nan giải bài toán giao thông

Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 28/05/2011

(HNM) - Ùn tắc và tai nạn giao thông đang có những dấu hiệu đáng lo ngại với số vụ việc liên tục tăng lên từ đầu năm đến nay. Các biện pháp hạn chế xe gắn máy, phát triển vận tải hành khách công cộng, mạnh tay xử phạt xe vi phạm vẫn chưa đem lại hiệu quả.


Bất lực với xe gắn máy


Tắc đường, bài toán nan giải của thành phố Hồ Chí Minh.


Năm 2002 TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương và kêu gọi hạn chế xe gắn máy, khi số lượng xe gắn máy tăng với mức độ chóng mặt. Tuy nhiên hơn 9 năm qua, chẳng những không có biện pháp nào hữu hiệu để kìm cơn sốt xe gắn máy mà ngược lại, xe gắn máy liên tục tăng với cấp số nhân. Trong giai đoạn 2000-2005 số lượng xe gắn máy TP chỉ tăng 1,1 triệu chiếc (năm 2000 là 1,7 triệu xe gắn máy, đến 2005 là 2,8 triệu chiếc); nhưng chỉ trong 5 năm (2005-2010) số lượng xe máy tăng gần gấp đôi. Đến cuối năm 2010 gần 4,5 triệu chiếc.

Hiện trung bình mỗi ngày số lượng xe gắn máy đăng ký mới tại TP là 1.200 chiếc và 100 xe ô tô, ngoài ra còn có khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 xe ôtô mang biển số tỉnh, TP khác lưu thông hằng ngày trên địa bàn TP.

Theo nhận định của PGS,TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), sự bùng nổ của xe gắn máy thời gian qua là thủ phạm gây tắc nghẽn giao thông. Số lượng xe gắn máy liên tục tăng lên khiến cho áp lực giao thông đang bị ảnh hưởng nặng nề. TP cũng có tỷ lệ xe gắn máy cao nhất thế giới, gấp 2 - 3 lần các TP lớn khác trong khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề ngày càng nghiêm trọng là xe gắn máy mỗi năm gây rất nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại TP Hồ Chí Minh đang có những dấu hiệu phức tạp khi số vụ tai nạn và số người chết tăng trong 4 tháng đầu năm 2011 bất chấp những nỗ lực của Ban An toàn giao thông (ATGT) trong thời gian qua.

Số liệu từ cơ quan này cho thấy, trong quý I-2011 TP xảy ra 257 vụ TNGT làm 220 người chết và 164 người bị thương, tăng 33 vụ và 44 người chết so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người gây bất an cho xã hội. Đây là điều đáng lo ngại khi trong 3 năm qua (2008-2010), TP liên tục nỗ lực để kéo giảm tỷ lệ này.

Hàng loạt giải pháp cấp bách

Giải quyết tình trạng bức bách giao thông, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra giải pháp. Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được đề xuất như: áp dụng xe biển số chẵn - lẻ lưu thông theo ngày chẵn - lẻ, thu phí lưu thông đối với xe gắn máy, tăng lệ phí đăng ký trước bạ, ngừng đăng ký với xe gắn máy mới... nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Tiến sĩ Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT) nhìn nhận, sự thiếu quan tâm và không đánh giá đúng tầm quan trọng của giao thông đô thị đang dẫn đến một hệ quả không giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông.

Tại cuộc họp vào ngày 19-5 của UBND TP với các ban, ngành để bàn các giải pháp hữu hiệu hạn chế các vụ tai nạn giao thông, một lần nữa các giải pháp quyết liệt đối phó với tai nạn và ùn tắc giao thông lại được đưa ra. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Công an TP và công an các quận, huyện cần tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử phạt các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; cùng với đó là nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.

Về các biện pháp chống ùn tắc giao thông, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng vừa ký và ban hành quyết định về chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo quyết định trên, TP xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông tổng thể các khu vực của TP trong giai đoạn 2011 - 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng các trục giao thông chính, huyết mạch. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với vùng; phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên phương tiện giao thông công cộng sức chở lớn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…

Minh Quỳnh